ThS.BS.CKII Huỳnh Hoàng Khang, Trưởng khoa Ngoại tim mạch, Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh ba nhánh mạch vành, động mạch vành phải tắc hoàn toàn, nhánh liên thất trước và động mạch mũ hẹp nặng, tim chưa bị suy, chức năng bảo tồn ở mức hơn 50%. Bệnh ba nhánh mạch vành xảy ra khi hệ thống mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị hẹp hoặc tắc do mảng xơ vữa tích tụ trên thành động mạch. Nếu không can thiệp sớm, người bệnh có nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột tử, suy tim, rối loạn nhịp tim, biến chứng tim mạch khác.
Bác sĩ Khang đánh giá nhánh mạch vành của người bệnh tổn thương phức tạp, khó để can thiệp đặt stent vì khả năng thất bại cao. Êkíp quyết định phẫu thuật bắc cầu mạch vành không tuần hoàn ngoài cơ thể (Off‐Pump Coronary Artery Bypass Grafting - OPCABG) để tái thông dòng máu nuôi tim. Phương pháp này thích hợp với bệnh nhân bị có xơ vữa động mạch chủ, bệnh mạch máu não, bệnh phổi mạn tính, suy thận, bệnh nhân lớn tuổi...
Trong ca mổ bắc cầu mạch vành truyền thống, bác sĩ làm ngừng tim của người bệnh. Máy tuần hoàn ngoài cơ thể đảm nhiệm công việc của tim, phổi trong suốt quá trình phẫu thuật. Đối với mổ off-pump, bác sĩ thao tác trong tình trạng tim vẫn đập, nhờ đó mang lại hiệu quả cao hơn, rút ngắn thời gian nằm viện, hồi phục nhanh, giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật như nhiễm trùng, viêm phổi, giảm truyền máu, loạn nhịp tim, đột quỵ.
Bác sĩ Khang và êkíp lấy động mạch vú trong và tĩnh mạch hiển của người bệnh để làm ba cầu nối cho ba nhánh mạch vành tắc hẹp. Tiếp đó, bác sĩ Khang dùng dụng cụ chuyên dụng giữ cho những vùng mạch vành cần thao tác giảm chuyển động. Sau hơn ba giờ phẫu thuật, hệ mạch máu tim được khơi thông thành công, triệu chứng khó thở và nặng ngực cải thiện, bệnh nhân dần ổn định sức khỏe và xuất viện.
![]() |
Bác sĩ Khang khám cho ông Khuể vào ngày thứ 4 sau mổ. Ảnh: Hạ Vũ |
Bệnh lý ba nhánh mạch vành là nguyên nhân hàng đầu gây nhồi máu cơ tim và đột tử ở người lớn tuổi song thường diễn tiến âm thầm và chỉ biểu hiện khi đã rất nặng. Bệnh thường gặp ở người trung niên, cao tuổi, ít vận động, hút thuốc lá, có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid. Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Khang khuyến cáo kiểm soát chỉ số cholesterol, huyết áp ở mức an toàn, giảm stress, hạn chế ăn chất béo xấu, tập thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá.
Các dấu hiệu cảnh báo gồm đau tức ngực khi gắng sức, thở dốc, mệt mỏi kéo dài, cảm giác nghẹt thở khi nằm, hồi hộp, đánh trống ngực, loạn nhịp tim. Người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thu Hà
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |