Vết bầm tím ở ngực hình thành khi các mạch máu nhỏ dưới da bị rò rỉ hoặc vỡ. Trong một sô trường hợp, máu tụ có thể phát triển gây tổn thương các mạch máu lớn hơn. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Chấn thương
Chấn thương thể thao hoặc ngã có thể dẫn đến bầm tím hoặc khối máu tụ. Chúng cũng có thể hình thành do mạch máu yếu bị vỡ khi va chạm hoặc đánh mạnh. Ví dụ, chấn thương ngực do dây an toàn chéo trong tai nạn xe cơ giới có thể dẫn đến bầm tím hoặc tụ máu nhẹ. Một số chấn thương nghiêm trọng do lực tác động mạnh cần phải truyền máu hoặc phẫu thuật. Tùy tác động của chấn thương, vết bầm tím thường phẳng hoặc sưng và đau, có khối máu tụ nhỏ nhưng một số có thể to như quả trứng, sờ thấy như cục u.
Phẫu thuật
Phẫu thuật ở ngực cũng có thể làm tổn thương mạch máu và gây chảy máu. Chẳng hạn phẫu thuật điều trị như cắt bỏ khối u hoặc mô vú bất thường, ung thư, cắt bỏ toàn bộ tuyến vú; phẫu thuật cấy ghép ngực và tái tạo ngực; nâng ngực. Triệu chứng có thể là do co thắt bao xơ (quá trình hình thành mô sẹo làm thay đổi hình dạng ngực).
Sinh thiết
Sinh thiết là thủ thuật mà nhân viên y tế lấy mẫu mô ngực để xác định có tình trạng ung thư hay không. Quá trình này không thực hiện đúng cách có thể gây chảy máu và bầm tím. Một số loại sinh thiết ngực có thể dẫn đến tụ máu như sinh thiết bằng kim lõi nhưng tỷ lệ này thấp.
Cho con bú
Phụ nữ đang cho con bú có thể bị bầm tím ở ngực hoặc nhũ hoa. Điều này có thể do tư thế hoặc cách ngậm vú không đúng của bé. Bóp, nặn sữa trong khi cho con bú cũng có thể hình thành vết bầm tím ở ngực.
Thuốc
Một số loại thuốc hóa trị và liệu pháp nhắm mục tiêu dùng để điều trị ung thư có thể gây ra tác dụng phụ là bầm tím. Nếu phát hiện bất thường trong quá trình điều trị, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn thay đổi phương pháp, thuốc phù hợp nhằm hạn chế tác dụng phụ không mong muốn.
Rối loạn chảy máu
Rối loạn chảy máu có thể khiến người bệnh dễ bị bầm tím ở nhiều vị trí trên cơ thể. Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này gồm bệnh Willebrand và di truyền mang gene bệnh dễ chảy máu. Rối loạn tiểu cầu như bệnh tiểu cầu Glanzmann cũng có thể là yếu tố nguy cơ.
Ung thư vú viêm
Những thay đổi trên da ở ngực trông giống vết bầm tím có thể là ung thư vú dạng viêm, tuy nhiên dấu hiệu này không phổ biến. Ung thư vú dạng viêm phát triển nhanh, có thể gây sưng đỏ, đau, da ngực chuyển màu hồng hoặc tím đỏ.
Vết bầm tím hoặc tụ máu nhẹ thường không cần điều trị, sẽ tự biến mất khi cơ thể hấp thụ máu. Để giảm sưng và đau liên quan đến chấn thương nhẹ ở ngực, người bệnh nên nghỉ ngơi và bảo vệ vùng bị thương, tránh hoạt động mạnh. Trong một hoặc hai ngày đầu sau khi bị thương, người bệnh có thể chườm đá hoặc túi lạnh (được bọc trong khăn) lên vùng bị ảnh hưởng trong 10-15 phút, nhiều lần trong ngày.
Nếu vết bầm tím kéo dài hơn hai tuần, không rõ nguyên nhân kèm theo đau nhức, sưng đỏ, người bệnh nên đi khám. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm, chụp nhũ ảnh, siêu âm, sinh thiết khi cần thiết.
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |