Thủ phạm thực sự là ở muối, hay đúng hơn là lượng natri tích tụ quá mức trong món ăn.
Bữa ăn ngoài hàng khác hẳn so với bữa cơm nhà. Thịt cá thường được ướp sẵn bằng muối, nước tương, hạt nêm để lên vị trước khi đưa lên chảo. Khi nấu, đầu bếp lại thêm dầu hào, sa tế, mắm muối.
Việc chồng chất nhiều nguồn natri như vậy khiến cho lượng natri trong một món ăn tại nhà hàng vượt xa so với nấu ăn tại gia đình.
Bạn có thể không cảm thấy món ăn quá mặn vì đường và muối có khả năng làm mờ cảm nhận lẫn nhau. Đường che vị mặn, chất tạo vị umami (như nucleotide) nâng ngưỡng chịu mặn của lưỡi. Cái bẫy ở đây là chúng ta không thấy mặn, nhưng thực ra natri đã ngấm sâu vào từng miếng thức ăn.
Dư natri khiến cơ thể kêu cứu bằng cách khát nước. Bởi natri có đặc tính hút nước mạnh, khi vào cơ thể quá nhiều, nó làm tăng áp suất thẩm thấu trong máu, buộc cơ thể phải giữ nước. Đó là lúc ta thấy khát cháy cổ, chỉ muốn tìm ngay thứ gì đó mát lạnh để giải tỏa.
![]() |
Ảnh minh họa: Timesofindia |
Lúc này, bẫy tiêu dùng lại diễn ra vì nước ngọt, trà đá, bia mang lại khoản lời không nhỏ cho các nhà hàng. Một số thống kê cho thấy đồ uống có thể chiếm đến 1/4 hoặc thậm chí 1/3 doanh thu nhà hàng.
Không chỉ gây khát, muối dư thừa còn có liên hệ mật thiết với béo phì, đặc biệt là béo bụng. Một nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc công bố năm 2022 khẳng định lượng muối tiêu thụ càng cao, nguy cơ béo phì và tích mỡ vùng bụng càng lớn.
Nếu bạn đang muốn kiểm soát cân nặng, việc đầu tiên cần làm là kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể.
Có ba nguyên tắc để giảm natri mà không giảm ngon. Đầu tiên dùng hạt nêm hoặc bột ngọt thay thế một phần muối. Thứ hai, tránh kết hợp nhiều loại gia vị mặn cùng lúc, ví dụ hạn chế dùng nước tương, dầu hào trong cùng một món. Thứ ba, cảnh giác với natri ẩn trong thịt chế biến sẵn, đồ hộp, nước sốt đóng chai.
Bảo Nhiên (Theo Aboluowang)