Ngày 1/4, ông Lương Hi Sâm qua đời tại Bắc Kinh ở tuổi 71, khép lại cuộc đời đầy nghịch lý và cảm hứng của một doanh nhân không học vấn nhưng biết xoay chuyển số phận.
Ông Sâm là người thôn Lương Chùy, trấn Hoàng Giáp, huyện Lạc Lăng, tỉnh Sơn Đông. Gia đình nghèo nên ông không học hết lớp 1, chỉ biết được 200 chữ. 10 tuổi, ông từng phải đi ăn xin. Đến 13 tuổi, ông học được nghề rèn sau đó một mình ra ngoài bươn chải.
![]() |
"Vua khoai tây" Lương Hi Sâm. Ảnh: Sohu |
Năm 1983, với số vốn tích cóp hơn 10.000 tệ, ông cùng bạn mở xưởng xay bột mì tại quê nhà, có lãi ngay trong năm đầu. Khi thấy nhiều người bắt chước, ông đóng xưởng, chuyển sang làm gia vị, khăn mặt, cơ khí, rồi lập đội thi công bước vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Bước ngoặt cuộc đời đến vào năm 1996, ông dẫn đội thi công đến Bắc Kinh nhận thầu dự án biệt thự Vườn Hồng. Nhưng chủ đầu tư mất khả năng tài chính, dự án có nguy cơ phá sản. Lương Hi Sâm quyết định một cú cược lớn. Ông đổ vốn tham gia đấu giá, chuyển từ nhà thầu thành chủ đầu tư.
Đúng lúc đó, Bắc Kinh dừng phê duyệt xây dựng biệt thự, Vườn Hồng trở thành hàng hiếm. Khi thị trường địa ốc phục hồi, tài sản của ông Sâm tăng vọt thêm hai tỷ tệ, lọt top 100 người giàu nhất cả nước.
Điều khiến dư luận ngỡ ngàng là sau khi phất lên trong ngành địa ốc, Lương Hi Sâm rời bỏ thành thị, quay về quê khởi động công nghiệp hóa nông nghiệp. Năm 2001, ông đầu tư 42 triệu tệ xây biệt thự cho dân làng trong dự án "Tân thôn Lương Chùy". Người dân được đổi nhà cũ lấy nhà mới gần như miễn phí.
Phần đất cũ được ông quy hoạch làm trang trại nuôi bò, với mục tiêu để nông dân thành công nhân, ở nhà tầng, lĩnh lương. Dù bị mỉa mai là giấc mơ hão huyền, mô hình "doanh nghiệp - làng xã - hộ nông dân" do ông khởi xướng đã trở thành hình mẫu cho phong trào chấn hưng nông thôn ở Trung Quốc.
![]() |
Thôn Lương Chùy, nơi ông Hi Sâm xây biệt thự miễn phí cho dân làng ở, cho họ việc làm, có lương. Ảnh: Sohu |
Bước ngoặt tiếp theo đưa tên tuổi ông Sâm lan truyền cả nước bắt đầu từ một lần đưa con gái đi ăn khoai tây chiên. Ông bất ngờ khi biết nguyên liệu phải nhập khẩu. "Một củ khoai thôi mà cũng không tự trồng được à?", Lương Hi Sâm đặt câu hỏi.
Khi đó, Trung Quốc có diện tích trồng khoai lớn nhất thế giới, song năng suất và chất lượng kém xa các nước phát triển. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu giống và kỹ thuật loại các mầm bệnh trong hạt giống. Ông Sâm bắt đầu đầu tư vào lai tạo giống khoai nhưng chi hàng triệu tệ vẫn thất bại.
5 năm sau khi mời được một nhóm chuyên gia hàng đầu, mọi việc mới dần vào guồng. Cùng năm, Trung tâm nghiên cứu Kỹ thuật quốc gia về khoai tây được nhà nước phê duyệt đặt tại Tập đoàn Hi Sâm.
Lai tạo giống khoai rất khó. Trong 100.000 cây khoai mới chọn được một cây giống tốt. Để duy trì vốn, có lúc ông Sâm phải bán nhà.
Bốn năm sau giống khoai tự chủ đầu tiên "Hi Sâm số 3" ra đời. Sau đó, các giống mới Hi Sâm 4, 5, 6, 7, 8 lần lượt thành công. Vào 2017, giống Hi Sâm số 6 đạt năng suất 9,4 tấn một ha, phá kỷ lục thế giới. Tính đến 2023, giống khoai Hi Sâm đã được trồng trên 31,5 triệu mẫu, xuất khẩu 6 quốc gia.
Tập đoàn Hi Sâm hiện đã xây dựng nhà máy sản xuất tinh bột khoai tây lớn nhất Trung Quốc tại khu tự trị Nội Mông, đồng thời phát triển thành công nhiều sản phẩm như bột pha sẵn dinh dưỡng từ khoai và lúa mì, bánh bao khoai tây, bánh mì khoai tây, đồ uống khoai tây.
Với những thành tựu vượt trội, Lương Hi Sâm được mệnh danh là "Vua khoai tây" của Trung Quốc.
Đến nay, người Trung Quốc vẫn coi ông là "tập hợp của những thứ mâu thuẫn". Chỉ học hết lớp một, biết chưa đến 200 chữ, nhưng ông lại có khối tài sản hàng chục tỷ tệ, chủ trì dự án khoa học cấp quốc gia, thay đổi bộ mặt nông thôn và cuộc sống của hàng triệu người. Dù tôn sùng "trường đời", ông vẫn đầu tư lớn cho nghiên cứu bài bản về giống cây trồng.
Như chính ông từng nói "cái giỏi của tôi khác mấy người có bằng cấp. Kỹ thuật cao tôi không làm được, nhưng lo cho dân làng sống tốt thì tôi làm được".
Lễ truy điệu của tỷ phú này được tổ chức tại thôn Lương Chùy, nơi ông đã một tay gây dựng. Toàn bộ dân làng đã đến tiễn biệt.
"Ông ấy đã thay đổi cả ngôi làng nghèo. Nhờ ông ấy, chúng tôi được sống trong biệt thự, người trẻ có việc làm", một người dân nói.
Trong văn phòng của ông Sâm, nhiều năm nay treo một bức tranh khoai tây. Dưới tán lá xanh, hoa trắng nở, những củ khoai vàng đang lớn dần.
Bảo Nhiên (Theo Baidu)