Yuujin Watanabe, 24 tuổi, ở Tokyo, là một "tư vấn viên nghỉ việc" tại Momuri. Công ty này thành lập năm 2022 chuyên hỗ trợ người lao động vượt qua nỗi sợ hãi khi muốn chấm dứt hợp đồng.
Với nhiều người Nhật, nghỉ việc không chỉ là nộp đơn. Áp lực phải ở lại, đơn xin nghỉ bị phớt lờ hoặc xé bỏ, cùng nỗi sợ bị trù dập và các quy tắc công sở cứng nhắc khiến việc này trở nên căng thẳng.
"Khi chúng tôi liên hệ, quản lý một số công ty có thể dùng lời lẽ gay gắt, thậm chí lăng mạ", Watanabe nói.
Sự xuất hiện của các công ty như Momuri từ khoảng năm 2017 cho thấy mặt tối của văn hóa làm việc Nhật Bản: hệ thống phân cấp cứng nhắc trao quyền lực quá lớn cho sếp, làm việc nhiều giờ và tăng ca không lương là điều phổ biến.
Xin nghỉ phép cũng khó khăn, khảo sát chính phủ năm 2023 chỉ ra người lao động chỉ dùng trung bình 62% số ngày phép được hưởng.
Dù chính phủ đã cải cách, thay đổi diễn ra chậm chạp, khiến các dịch vụ nghỉ việc hộ "ăn nên làm ra". Shinji Tanimoto, 35 tuổi, nhà sáng lập Momuri, cho biết số yêu cầu tăng từ vài chục lời đề nghị lên hơn 1.800 mỗi tháng.
![]() |
Yuujin Watanabe, tư vấn viên hỗ trợ các khách hàng có ý định muốn nghỉ việc ở Nhật Bản. Ảnh: CNA |
Văn hóa này không chỉ bào mòn thể chất, tinh thần người lao động mà còn góp phần vào khủng hoảng nhân khẩu học, khi làm việc quá sức khiến tỷ lệ sinh giảm. Viện nghiên cứu độc lập Recruit Works ước tính Nhật Bản thiếu 251.000 lao động năm ngoái, dự kiến thiếu 11 triệu vào năm 2040.
Một số công ty bắt đầu thay đổi, nhưng nhiều nơi vẫn giữ nếp cũ. "Đó là lý do tôi nghĩ nhiều người vẫn phải tìm đến dịch vụ hỗ trợ nghỉ việc", Shinji Tanimoto nói.
Gốc rễ nằm ở thời kỳ bùng nổ kinh tế sau chiến tranh, khi tinh thần "messhi hoko" (hy sinh bản thân vì tập thể) ăn sâu, củng cố kỳ vọng cống hiến hết mình. Nhiều công ty vẫn tuyển "thành viên" trọn đời thay vì vị trí cụ thể, trao quyền lớn cho công ty trong giao việc.
Ryo Nitta, giám đốc Viện Nghiên cứu Đổi mới Phong cách Làm việc Nhật Bản, gọi đây là "thỏa thuận trống", nơi những người làm việc nhiều giờ, tuân thủ mọi yêu cầu được coi trọng, thăng chức và tiếp tục tuyển người tương tự.
Nhà thiết kế Kotetsu Genda (đã đổi tên), 36 tuổi, trải nghiệm rõ văn hóa này khi gia nhập thị trường lao động năm 2014. Tại công ty cũ, Genda và các đồng nghiệp thường ở lại đến chuyến tàu cuối. Sếp từng gợi ý anh đi xe đạp để không lỡ tàu. Vào mùa cao điểm, ngày làm việc kéo dài đến 2-3h sáng hôm sau, có lần anh phải mang túi ngủ đến văn phòng cả tuần, dù lương thấp và không có tiền làm thêm giờ.
Văn hóa làm việc khắc nghiệt này thậm chí gây tử vong, gọi là "karoshi" (chết vì làm việc quá sức). Trường hợp nhà báo Miwa Sado của đài NHK qua đời năm 2013 ở tuổi 31 vì suy tim sau khi làm thêm 159 giờ mỗi tháng là ví dụ điển hình. Dù NHK đã cải cách, một phóng viên khác vẫn qua đời vì "karoshi" năm 2019.
Kotetsu Genda gần đây đã chuyển sang công ty có sự cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn. Anh mô tả thực tế cũ của mình là "shachiku" (gia súc của công ty). "Với tôi, ranh giới giữa 'salaryman' (người làm công ăn lương) và 'shachiku' không rõ ràng", anh nói.
![]() |
Kotetsu Genda đã chuyển sang công ty mới sau thời gian dài chật vật xin nghỉ việc. Ảnh: CNA |
Để thúc đẩy thay đổi, chính phủ ban hành Luật Cải cách Phong cách Làm việc từ 2019, giới hạn giờ làm thêm ở mức 45 giờ mỗi tháng (có thể lên 100 giờ trong một số trường hợp), khuyến khích làm việc linh hoạt và thu hẹp khoảng cách lương.
Tuy nhiên, nhiều người lao động không đòi quyền lợi do truyền thống "shushin koyo" (tuyển dụng trọn đời) và lo ngại mất việc. Yuji Kobayashi, nhà nghiên cứu tại Persol Research and Consulting, cho biết nhiều người thiếu kỹ năng chuyển việc và ngại lên tiếng vì sợ mất lòng cấp trên.
Hệ quả là sự gắn bó thấp. Nghiên cứu của Gallup năm ngoái cho thấy chỉ 6% lao động Nhật gắn bó với công việc, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Năng suất lao động chỉ đạt 56,8 USD mỗi giờ, thấp hơn nhiều so với quốc gia đứng đầu là Ireland (khoảng 157 USD). Mức độ gắn bó thấp này gây thiệt hại ước tính 86 nghìn tỷ yên (585 tỷ USD) năm 2023, tương đương 15% GDP.
Nỗ lực cải cách gần đây gồm việc chính quyền Tokyo áp dụng tuần làm việc 4 ngày cho nhân viên từ tháng 4/2025. Tuy nhiên, trong khu vực tư nhân, chỉ 8% công ty cho phép lựa chọn này từ năm 2021, nhiều doanh nghiệp thậm chí thu hẹp làm việc từ xa sau đại dịch.
Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - chiếm hơn 99% - vật lộn với thiếu nhân viên, năng suất thấp và chi phí gia tăng. Năm ngoái, hơn 10.000 công ty phá sản, chủ yếu là SME. Kobayashi chỉ ra nhiều công ty ở các vùng dân số giảm "không đủ linh hoạt để thay đổi". Do đó, SME được trao một số linh hoạt trong việc thực hiện cải cách. Như công ty gỗ của Nariaki Asano, 75 tuổi, không áp đặt giờ làm cố định mà linh hoạt theo công việc.
Ngày nay cải cách đang có một số tiến bộ. Tỷ lệ công chức làm việc quá 60 giờ mỗi tuần đã giảm. 64% công ty cho biết đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách lương. Số giờ làm thêm trung bình hàng tháng cũng giảm xuống 22,76 giờ năm 2023 (từ 26,79 giờ trước cải cách), theo nền tảng thị trường việc làm OpenWork.
Thái độ của người lao động trẻ cũng thay đổi. Khảo sát năm ngoái cho thấy tỷ lệ người sẵn sàng đổi việc hoặc tự kinh doanh tăng gấp đôi so với 2014, trong khi số người muốn gắn bó trọn đời với công ty giảm. "Việc tập trung vào sự nghiệp và cuộc sống của mỗi cá nhân ngày càng quan trọng hơn", Kobayashi nhận định.
Minh Phương (Theo CNA)