Nghe kém, lãng tai là vấn đề sức khỏe phổ biến hiện nay, có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn, ảnh hưởng mọi lứa tuổi, nhất là tuổi trung niên, xế chiều. Cụ thể, rất nhiều trường hợp không thể nghe âm thanh một phần hay hoàn toàn, xảy ra ở một hoặc cả hai tai, mức độ từ nhẹ đến nặng.
Theo thống kê trên The Gerontologist, hiện hơn 1,3 tỷ người trên toàn cầu bị suy giảm thính lực, trong đó khoảng 13% người ở độ tuổi 40-49; 45% trường hợp 60-69 tuổi; 90% người trên 80. Con số này tăng lên mỗi ngày. Nghiên cứu khác chỉ ra nhóm nghe kém, lãng tai có nguy cơ mắc trầm cảm cao.
Các yếu tố tăng nguy cơ nghe kém
Theo các chuyên gia từ John Hopkins, nghe kém do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là tuổi tác. Dưới đây là các yếu tố tăng nguy cơ lãng tai.
Lớn tuổi: theo thời gian, tế bào lông thính giác ở tai trong sẽ thoái hóa, suy giảm chức năng.
![]() |
Không ít người lớn tuổi đối diện tình trạng nghe kém. Ảnh: Signia |
Di truyền: không ít trường hợp mang gen di truyền khiến họ dễ bị tổn thương tai.
Tiếp xúc âm thanh lớn: tiếng nổ lớn, súng, động cơ, tiếng ồn từ máy móc (công trường, nhà xưởng) hay âm thanh cực đại từ chương trình giải trí có thể tổn thương các tế bào lông thính giác.
Một số loại thuốc: vài loại thuốc có thể gây tác dụng phụ, dẫn đến giảm hoặc mất thăng bằng thính lực như kháng sinh, dòng hóa trị liệu, aspirin, thuốc lợi niệu hay trị sốt rét...
Một số bệnh lý: thường gặp nhất là viêm nhiễm ở tai như viêm tai giữa, viêm tai trong hay viêm màng não. Ngoài ra, bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường có nguy cơ cao ảnh hưởng thính lực, bởi chúng có thể cản trở lượng máu lưu thông đến tai.
Tác hại của lãng tai
Nghiên cứu từ John Hopkins cho thấy nghe kém có thể ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng cuộc sống lẫn sức khỏe, khả năng làm việc hay giao tiếp.
Gặp khó khăn khi giao tiếp: nhiều trường hợp không thể nghe rõ cuộc hội thoại như điện thoại, tham gia những cuộc họp, trò chuyện với bạn bè gia đình, từ đó khó tiếp thu thông tin khi làm việc.
Cảm xúc tiêu cực: khi giảm khả năng nghe, người lớn tuổi dễ nảy sinh tâm lý bực tức, khó chịu, cảm xúc tiêu cực, tự ti, xa lánh người khác, vô tình dẫn đến u uất, trầm cảm.
Suy giảm nhận thức: những nghiên cứu gần đây cho thấy lãng tai có thể tăng nguy cơ suy giảm nhận thức. Nguyên nhân là não không được kích thích đầy đủ, không thể xác định âm thanh, sắc thái nên khả năng vận động não ảnh hưởng ít nhiều, tác động khả năng ghi nhớ và tập trung.
Dễ té ngã, tai nạn: khi nghe kém, người lớn tuổi khó tiếp nhận tín hiệu, do đó xử lý tình huống hạn chế, dễ gặp nguy hiểm khi di chuyển (không nghe tiếng còi giao thông).
![]() |
Hiện có nhiều dòng máy trợ thính nhỏ gọn, hỗ trợ đắc lực người mất thính lực. Ảnh: Signia |
Để chất lượng cuộc sống không ảnh hưởng, người lớn tuổi hoặc người thân nên sớm tìm giải pháp khi gặp sự cố thính lực. Duy trì kiểm tra định kỳ hoặc thăm khám ngay khi xuất hiện triệu chứng về tai, vừa phát hiện sớm vấn đề, vừa ngăn chặn hậu quả tiêu cực do nghe kém.
Thiên Hà (theo John Hopkins)