Vào năm 2012, khi phần lớn các thương hiệu lớn còn đang do dự với thể thao điện tử, Tập đoàn viễn thông SK Telecom đã có một bước đi táo bạo - thành lập đội tuyển Liên minh huyền thoại (LMHT) của riêng mình - SKT T1 và sau này đổi tên thành là SKT và T1. Với quyết định này, họ không chỉ tiên phong tại Hàn Quốc, mà còn trở thành một trong những tập đoàn đầu tiên trên thế giới chọn Esports như một kênh chiến lược truyền thông dài hạn.
Việc đầu tư vào thể thao điện tử vào thời điểm đó không mang lại lợi nhuận ngay lập tức. Nhưng SK Telecom hiểu rằng, nếu họ muốn định vị mình là một thương hiệu công nghệ tiên tiến, gắn bó với giới trẻ và tương lai số, thì Esports chính là môi trường lý tưởng.
![]() |
Logo, tên thương hiệu của SK Telecom xuất hiện trước hàng triệu khán giả khi đội tuyển của họ vô địch thế giới lần đầu tiên năm 2013. |
Giá trị nhận diện toàn cầu
Giai đoạn 2013 - 2016 đánh dấu đỉnh cao của SKT T1 với ba chức vô địch thế giới. Và cùng lúc đó, thương hiệu SK Telecom thông qua logo trên áo đấu, quảng cáo, video highlight, và các nội dung truyền thông lan tỏa ra toàn cầu.
Faker (Lee Sang-hyeok) - tuyển thủ vĩ đại nhất trong lịch sử LMHT, cũng trở thành đại sứ thương hiệu không chính thức của SKT. Hàng triệu người trên thế giới biết đến logo đỏ của SK Telecom vì anh. Trong ngành quảng cáo, điều này chẳng khác gì so với việc một nhãn hàng có Cristiano Ronaldo hay Messi làm đại diện nhưng không cần trả hàng trăm triệu USD.
Không chỉ có nhận diện toàn cầu, SK Telecom còn chiếm được cảm tình của cộng đồng fan - những người xem đội SKT như một phần tuổi trẻ, một biểu tượng vượt khỏi biên giới Hàn Quốc.
![]() |
Faker là trái tim của T1, và được cho là sở hữu cổ phần tại SK Telecom. |
Không giống như tài trợ sự kiện hay quảng cáo ngắn hạn, việc sở hữu và đồng hành cùng một đội tuyển suốt nhiều năm giúp SK Telecom xây dựng một tài sản thương hiệu vô giá - sự gắn kết cảm xúc.
T1 là đội tuyển duy nhất trong Esports mà người hâm mộ có thể nhận diện thương hiệu nhà tài trợ lâu đời, thậm chí sau khi SKT đổi tên thành T1, phần đông vẫn gọi đội là "SKT" như một thói quen gắn bó. Đó là minh chứng rõ ràng cho việc thương hiệu đã ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng.
Theo một báo cáo của Nielsen năm 2022, hơn 70% người hâm mộ T1 biết SKT là đơn vị tài trợ chính. Đây là tỷ lệ nhận diện vượt xa các mô hình tài trợ thể thao truyền thống.
Tác động đến thế hệ người tiêu dùng tương lai
Esports là kênh tiếp cận hoàn hảo với nhóm khách hàng trẻ từ 16 đến 34 tuổi. Họ là những người sẽ quyết định thị trường tiêu dùng trong 10 - 20 năm tới. Việc đồng hành với một đội tuyển LMHT cho phép SK Telecom tiếp cận người trẻ không thông qua quảng cáo, mà qua tình cảm, sự đồng hành và lòng trung thành.
Thương hiệu không còn là thứ áp đặt lên khách hàng, mà trở thành một phần tự nhiên trong hành trình trải nghiệm và đam mê của họ.
Cầu nối đến hệ sinh thái công nghệ số
Từ nền tảng Esports, SK Telecom đã mở rộng ra các lĩnh vực khác trong hệ sinh thái công nghệ, gồm: nội dung số, AI, thiết bị thông minh,...
Tiêu biểu trong đó là kênh YouTube T1 Studios, loạt chương trình hậu trường, talkshow cùng Faker, đều giúp SKT quảng bá dịch vụ 5G, nền tảng truyền hình OllehTV.
Với Metaverse và AI, SK Telecom đã từng giới thiệu công nghệ AI DeepMind bằng hình ảnh Faker thi đấu với bot AI. Ngoài ra, họ cũng thử nghiệm công nghệ metaverse tương tác giữa fan và tuyển thủ T1 trong môi trường thực tế ảo.
Hình ảnh Faker còn được sử dụng trong các chiến dịch quảng bá thiết bị di động, router 5G, nhà thông minh - nhằm gắn công nghệ cao với hình tượng một "huyền thoại sống".
![]() |
Faker xuất hiện trong một chiến dịch quảng cáo 5G của SK Telecom. |
Chắc chắn rằng việc vận hành T1 không hề rẻ. T1 hiện sở hữu đội hình lương cao bậc nhất thế giới trong LMHT, cùng hệ thống huấn luyện viên, phân tích viên, nhân viên truyền thông, sản xuất nội dung lên đến hàng chục người. Ngoài ra, cơ sở vật chất như T1 HQ ở Seoul cũng tiêu tốn nhiều triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, so với giá trị truyền thông mà SK Telecom thu lại, đây là một thương vụ hời. Theo ước tính của nhiều chuyên gia trong ngành, tổng giá trị truyền thông mà SKT nhận được từ Esports có thể lên tới hàng trăm triệu USD nếu quy đổi ra quảng cáo truyền thống. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là sự gắn bó bền vững trong tâm trí khách hàng.
Hợp nhất giữa thể thao và thương hiệu
Ở thời điểm hiện tại, nhiều tập đoàn lớn đang đổ tiền vào Esports, nhưng không phải ai cũng làm tốt như SK Telecom. Thành công của họ đến từ việc không chỉ "rót tiền", mà còn xây dựng mối quan hệ lâu dài, đầu tư bài bản vào con người, nội dung và cộng đồng.
Thay vì chỉ dùng T1 như một công cụ quảng bá, họ đã biến đội tuyển thành một phần trong chiến lược thương hiệu, gắn kết từ truyền thông đến sản phẩm.
![]() |
T1 trở thành đội tuyển Liên minh huyền thoại số một thế giới với 5 chức vô địch. |
Trong thế giới của những xu hướng đổi thay từng ngày, SK Telecom là ví dụ hiếm hoi về một thương hiệu dám gắn bó dài hạn với một lĩnh vực mới mẻ như Esports. Công ty đã đặt cược vào một đội tuyển game, để rồi thu về một tài sản thương hiệu toàn cầu – thứ mà không thể đong đếm đơn thuần bằng tiền.
Và trên hành trình đó, họ không chỉ tạo ra lợi ích cho riêng mình, mà còn góp phần đưa Esports Hàn Quốc trở thành biểu tượng toàn cầu. Có lẽ, khi lịch sử ngành này được viết nên, cái tên SK Telecom sẽ luôn có một chương riêng - bên cạnh Faker và T1.
Hàm Hương
T1 toan tính gì khi xoay tua xạ thủ Gumayusi - Smash?
Những tuyển thủ Esports thu nhập triệu đô mỗi năm
Faker sắp cán mốc 1.000 trận đấu ở Liên minh huyền thoại Hàn Quốc
YouTuber số một thế giới muốn lập đội tuyển Liên minh huyền thoại và mời Faker