Ở các giải chạy thông thường, công tác y tế được tổ chức theo ba lớp: trạm y tế cố định, đội cơ động di chuyển, và xe cấp cứu chuyên sâu. Nhưng với VnExpress Marathon (VM) Volvo All-Star - nơi thời gian thi đấu rút ngắn còn 4 giờ 30 phút, và vận động viên phần lớn là những người chạy bán chuyên, chuyên nghiệp - bài toán cấp cứu được đẩy lên mức cảnh báo cao.
![]() |
Tình nguyện viên hỗ trợ xịt lạnh cho runner ở một cuộc đua thuộc hệ thống VM. Ảnh: VM |
"Đây là cuộc đua mà VĐV vận động ở cường độ cao từ đầu đến cuối. Bất kỳ sự cố nào cũng có thể diễn ra trong tích tắc", bác sĩ Bùi Phú Trưởng, phụ trách y tế giải, cho biết. Để chủ động ứng phó, ban tổ chức lần đầu triển khai lực lượng đội phản ứng nhanh chuyên biệt, tăng tốc độ tiếp cận và xử lý ngay tại hiện trường.
Đội phản ứng nhanh gồm sáu bác sĩ chuyên ngành cấp cứu, từng tham gia nhiều giải đấu lớn. Họ được chia thành nhóm nhỏ, di chuyển bằng xe máy mang theo túi sơ cứu chuyên dụng, trực chiến dọc đường đua.
Mỗi khi có trường hợp khẩn cấp, đội này là lực lượng đầu tiên xuất hiện, đảm bảo tiếp cận trong vòng 2-3 phút, xử lý ban đầu trước khi xe cấp cứu đến tiếp ứng nếu cần. "Đây là điểm khác biệt lớn về công tác cấp cứu tại giải. Nhiệm vụ của nhóm phản ứng nhanh không chỉ là cứu người mà còn giảm rủi ro tai nạn trở nặng", bác sĩ Trưởng nhấn mạnh.
![]() |
Bản đồ đường chạy và các trạm hỗ trợ, tiếp nước tại VM Volvo All-Star. Ảnh: VM |
Đội phản ứng nhanh luôn kết nối với trung tâm điều phối qua bộ đàm chứ không hành động độc lập. Bác sĩ trưởng bộ phận giữ liên lạc liên tục với tổ trưởng các trạm, nhận tín hiệu từ hotline và bản đồ đường đua để điều hướng lực lượng đến đúng điểm.
Công tác y tế của VM Volvo All-Star được chia thành bốn lớp: trạm y tế cố định, đội phản ứng nhanh, xe cấp cứu chuyên sâu và trung tâm điều phối. Các tổ y tế cố định bố trí trung bình 2 km với ít nhất 3 người (1 bác sĩ cấp cứu, 2 điều dưỡng), được trang bị vali cấp cứu ngoại viện, bình oxy và phụ kiện, nước điện giải, nẹp cơ bản, băng dán.
Xe cấp cứu và tổ chuyên sâu có đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị cấp cứu, máy AED di động. Tổ này được bố trí ở điểm xuất phát, đích và các điểm trọng yếu trên đường chạy, có phối hợp với bệnh viện gần nhất. Tổ cấp cứu có chuyên môn cao nhất, sẵn sàng kịch bản cấp cứu cho trường hợp sốc nhiệt, ngất do tim mạch hoặc đa chấn thương.
Bác sĩ Trưởng sẽ đóng vai trò trưởng ban điều phối, trực hotline y tế, xử lý thông tin, nắm rõ sơ đồ đường đua và, bộ đàm kết nối với ban tổ chức và tổ trưởng y tế các trạm, đội cơ động nhanh.
![]() |
Mỗi trạm nước của VnExpress Marathon có đầy đủ nước lọc, điện giải, trái cây, xịt lạnh và lều y tế. Ảnh: VM |
Ngoài ra, hơn 20 trạm nước bố trí kèm lều y tế, điện giải, xịt lạnh và nhân viên hỗ trợ sơ cấp cứu. Toàn bộ tình nguyện viên, pacer và thành viên ban tổ chức cũng được tập huấn kỹ năng báo tin y tế, hỗ trợ sơ cứu ban đầu và sử dụng máy sốc tim tự động (AED). Mỗi người là một mắt xích trong hệ thống phản ứng liên hoàn.
VnExpress Marathon Volvo All-Star diễn ra vào 5h sáng 20/4 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trong điều kiện thời tiết 26 độ C, độ ẩm 80%. Đây là mức chấp nhận được với một cuộc thi tốc độ, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất nước nhanh, rối loạn điện giải hoặc sốc nhiệt nếu không được kiểm soát tốt.
Vì thế, đội y tế khuyến cáo runner uống nước, điện giải đều đặn 15-20 phút, không bỏ qua trạm hỗ trợ, theo dõi các chỉ số cơ thể và tìm trợ giúp y tế nếu chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau cơ. Runner nên chọn trang phục sáng màu, che chắn kỹ. Sau khi về đích nên thả lỏng, đi bộ nhẹ ít phút trước khi ngồi nghỉ, giúp tim, phổi và hệ tuần hoàn điều chỉnh dần về trạng thái nghỉ.
Hoài Phương
![]() |