Nằm ở góc phía nam tỉnh Ontario, thành phố Windsor và hạt Essex xung quanh là một trong những khu vực ở Canada chịu đòn giáng nặng nề vì chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông chủ Nhà Trắng cuối tháng 3 thông báo áp thuế 25% với toàn bộ ôtô và phụ tùng nhập khẩu vào Mỹ. Thuế với ôtô được áp dụng từ ngày 3/4, còn thuế với phụ tùng sẽ có hiệu lực không muộn hơn ngày 3/5. Các nhà sản xuất Canada có thể được khấu trừ thuế này nếu họ tuân thủ các điều khoản trong Thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).
Nỗi lo lắng lập tức phủ bóng lên Windsor, khu vực được coi là thủ phủ ôtô của Canada. Hãng lắp ráp Stellantis thông báo dừng hoạt động nhà máy tại thành phố chỉ vài giờ trước khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực, cho đến khi tìm ra chiến lược phù hợp, khiến khoảng 3.500 công nhân phải ở nhà. Stellantis dự kiến mở cửa cơ sở trở lại ngày 21/4, nhưng sẽ chỉ hoạt động trong hai tuần.
"Sự biến động liên tục, không biết chuyện gì xảy ra tiếp theo này mang đến mọi cung bậc cảm xúc - bực bội, phẫn nộ, lo lắng", Derek Gungle, công nhân làm việc tại nhà máy của Stellantis hơn 10 năm qua, nói với CBC.
![]() |
Xe tải chở ôtô từ Windsor, Canada đến Detroit, bang Michigan, Mỹ tháng 10/2018. Ảnh: AFP |
Windsor là một trong số ít khu vực ở Canada có nền kinh tế phụ thuộc đáng kể vào thương mại với Mỹ. Sự thịnh vượng của thành phố chủ yếu dựa vào ngành ôtô. Mỗi ngày, khoảng 8.000 xe tải sẽ chở lượng hàng hóa trị giá 323 triệu USD qua lại Cầu Đại sứ kết nối Windsor và Detroit, thành phố được ví là thủ phủ ngành ôtô Mỹ ở bang Michigan.
Cùng với thuế suất 25% áp lên hầu hết hàng xuất khẩu của Canada từ ngày 4/3, tác động lên Windsor đặc biệt nặng nề.
"Giống như một đám tang vậy", Jonathon Azzopardi, chủ tịch Laval, nhà sản xuất phụ tùng ôtô và linh kiện tại Windsor, nói với Washington Post. "Đó là cách duy nhất tôi có thể mô tả tình hình. Bầu không khí dần trở nên ảm đạm, đen tối".
Windsor còn là nơi đặt nhà máy của Ford, một trong những hãng xe lớn ở Mỹ. Ford hiện diện tại Windsor năm 1896, rồi đến Stellantis vào năm 1928, sau đó là hàng chục nhà máy, công ty cung ứng mọc lên tại khu vực. Khoảng 24.000 người làm việc trong ngành ôtô ở Windsor-Essex, khoảng 120.000 việc làm khác phụ thuộc vào lĩnh vực này, theo ước tính của BBC.
Khi Tổng thống Trump cho rằng Canada đã cướp việc làm của ngành ôtô Mỹ, Chad Lawton, người đã làm việc cho hãng Ford trong 31 năm, gọi đây là tuyên bố "lố bịch". Lawton chưa từng chứng kiến cuộc khủng hoảng nào như vậy trong cuộc đời mình.
"Đó chưa bao giờ là việc làm của Mỹ, mà là của Canada", ông nói. "Chúng tôi không lấy đi việc làm từ họ. Chúng tôi tạo ra việc làm và duy trì chúng".
Windsor từng cùng Detroit vượt qua nhiều thách thức với ngành ôtô Bắc Mỹ, nhờ hai bên có chuỗi cung ứng tích hợp sâu. Trong khủng hoảng tài chính năm 2008, khi nhiều hãng xe Mỹ thua lỗ, Washington đã phải chi hàng tỷ USD để giải cứu.
"Lần này cũng vậy, nỗi lo lắng, sợ hãi vì tình hình nằm ngoài tầm kiểm soát lớn đến mức bạn không thể biết phải làm gì", Lawton nói.
"Giống như một cú đâm lén sau lưng vậy", Austin Welzel, 27 tuổi, công nhân lắp ráp tại Stellantis, mô tả. "Họ như hàng xóm, bạn bè của chúng tôi, nhưng không còn muốn làm việc chung nữa".
![]() |
Vị trí thành phố Windsor, Canada và Detroit, Mỹ. Đồ họa: CBC |
Tác động tiêu cực mà ngành ôtô Windsor phải hứng chịu cũng lan sang những lĩnh vực khác. Penalty Box là quán bar thể thao ngay gần nhà máy của Stellantis, địa điểm công nhân thường xuyên ghé đến.
"Chúng tôi là một trong những nhà hàng đông khách nhất. Chúng tôi bán gần 1.000 phần ăn một ngày", chủ cửa hàng Van Niforos, 70 tuổi, nói. Gương mặt ông sa sầm khi đề cập những nguy cơ mà ngành ôtô Windsor phải đối mặt.
"Một tình huống thảm khốc. Tôi không muốn nghĩ đến nó", ông Niforos chia sẻ. "Chúng tôi thuê 60 nhân công và mở cửa 6 ngày trong tuần. Nếu nhà máy Stellantis gặp chuyện, chúng tôi có thể duy trì việc làm cho 60 người không? Chắc chắn là không".
Theo Ryan Donally, lãnh đạo Phòng thương mại khu vực Windsor- Essex, những nhà máy lắp ráp như của Stellantis có vai trò thiết yếu với kinh tế địa phương.
"Bất cứ thông tin nào liên quan đến lĩnh vực sản xuất ôtô cũng thu hút sự chú ý của cả cộng đồng", ông Donally trả lời Globe and Mail. "Thuế quan gây tổn thất cho Canada, nhưng Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại tương ứng".
![]() |
Quốc kỳ Canada ở thành phố Windsor, bang Ontario ngày 1/4. Ảnh: AFP |
Thủ tướng Mark Carney cam kết thiết lập quỹ 2 tỷ CAD (1,4 tỷ USD) để tăng tính cạnh tranh và bảo vệ việc làm ngành sản xuất Canada, cùng với đó là các kế hoạch thiết lập một mạng lưới linh kiện ôtô "hoàn toàn bên trong Canada", không phụ thuộc vào Mỹ. Ông Carney cũng đã triển khai kế hoạch áp thuế tương ứng để đáp trả Mỹ.
Lawton không cho rằng đòn thuế đáp trả của Thủ tướng Carney giúp ích cho tình hình, mà "chỉ khiến cho mọi thứ thêm tồi tệ". Lawton hy vọng các bên sẽ đàm phán thương mại, nhưng cũng tuyên bố Canada "không thể nhượng bộ và đầu hàng".
David Adams, thành viên GAC, hiệp hội đại diện cho lợi ích của 15 hãng xe toàn cầu tại Canada, cho biết vẫn có "ánh sáng le lói cuối đường hầm", khi các nhà sản xuất ở Canada có thể được Mỹ khấu trừ thuế theo USMCA. Các hãng xe và công nhân ngành hy vọng các bên sớm tìm ra một giải pháp phi thuế quan.
"Tình hình hiện tại khiến nhiều người mất ngủ", ông Adams nói.
Như Tâm (Theo BBC, CBC, Globe and Mail)