"Nếu có ai đó nói, 'Tôi đã thấy con trai cô.' Chỉ một lời thôi. Tôi sẽ ôm hôn người đó", bà Lyubov Brodovska, mẹ của Oleksandr, 28 tuổi, nói trong lúc chờ những binh sĩ trở về sau sự kiện trao đổi tù binh Nga - Ukraine ở Chernihiv, thành phố miền bắc Ukraine, ngày 26/6.
Nước mắt lăn dài trên má Brodovska khi bà giơ cao ảnh của Oleksandr, người mất tích ở tiền tuyến năm ngoái. 70.000 binh sĩ và dân thường Ukraine nằm trong danh sách mất tích, nghĩa là không rõ họ đã chết hay bị Nga bắt làm tù binh. Sự bất định này đẩy các gia đình rơi vào một vòng xoáy ác mộng không lối thoát.
![]() |
Bà Lyubov Brodovska ôm chân dung con trai mất tích trong lúc chờ các binh sĩ trở về từ cuộc trao đổi tù binh Nga - Ukraine đến khám sức khỏe ở Chernihiv, thành phố miền bắc Ukraine, ngày 26/6. Ảnh: AFP |
Brodovska là một trong hàng trăm người mẹ, người vợ và người nhà, đang đổ xô đến các cuộc trao đổi tù binh với khao khát có được một chút thông tin về tung tích người thân từ những người được Nga trao trả.
Để thu hút sự chú ý của những người lính, họ quấn cờ Ukraine quanh người, tay cầm ảnh người nhà mất tích, hoặc dán ảnh lên tường xung quanh lối ra vào bệnh viện, nơi các binh sĩ được đưa đến để kiểm tra sức khỏe. Họ hy vọng các cuộc trao đổi tù binh sẽ đem lại thông tin mới về thân nhân.
Tuy nhiên, việc xác định số phận của người mất tích rất khó, dù phía Nga tuyên bố đang giữ hàng nghìn thi thể chưa xác định danh tính của lính Ukraine tử trận. Ba năm chiến sự đã tạo ra vô số dải đất không người rộng lớn dọc tiền tuyến, nơi không thể tìm được thi thể.
![]() |
Một binh sĩ Ukraine được trả tự do ngồi trên xe lăn để đi khám sức khỏe ở Chernihiv ngày 26/6. Ảnh: AFP |
Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) và Trụ sở Điều phối Ukraine về Xử lý Tù binh đang cố gắng tìm kiếm những binh sĩ mất tích. Nhưng các gia đình thường cảm thấy an ủi khi tự điều tra, theo Yatsenko, phát ngôn viên của trung tâm điều phối Ukraine.
"Việc chủ động tham gia quá trình tìm kiếm với họ rất quan trọng", ông nói. "Họ muốn cho bản thân và người nhà, những người có thể được trả tự do trong tương lai, thấy rằng họ không hề thụ động và đã cố gắng hết sức".
Mặc dù cho phép những người đi tìm thân nhân mất tích đến các cuộc trao đổi tù binh, Kiev kêu gọi không làm phiền binh sĩ mới được trả tự do vì tâm lý và sức khỏe của họ chưa ổn định.
Tại cuộc trao đổi ở Chernihiv ngày 26/6, Elmira Baranova bồn chồn lo lắng khi xe chở binh sĩ tiến vào sân. Ernest, con trai bà, đã mất tích ba năm, và không có mặt trong buổi trao đổi.
"Tôi không nhớ mình đã tham dự bao nhiêu sự kiện như thế này. Tôi vui khi người khác tìm lại được thân nhân, nhưng đồng thời kiệt quệ khi không tìm được con trai", bà nói.
Sự cố gắng của bà đã có ích. Một người lính cho hay nhìn thấy Ernest vẽ trong tù, thông tin quý giá vì con trai bà rất thích anime, phim hoạt hình Nhật Bản.
Giới chức Ukraine khuyến khích gia đình chia sẻ các thông tin họ thu thập được, nhưng cũng tỏ ra thận trọng. "Chúng tôi muốn họ nuôi hy vọng, nhưng không muốn họ nuôi hy vọng sai lầm", Pat Griffiths, phát ngôn viên của ICRC, nói.
Hy vọng này bắt nguồn từ niềm tin của nhiều người Ukraine rằng Nga đang giữ nhiều tù binh hơn so với con số đã thông báo. Tuy nhiên, Kiev cho rằng có thể thông tin người bị bắt được công bố chậm, nhưng rất hiếm trường hợp người mất tích lâu ngày xuất hiện trở lại.
"Chúng ta cần đối mặt thực tế. Có thể mất nhiều năm để một số gia đình nhận được câu trả lời, và đối với nhiều người thì đó có thể không phải là câu trả lời họ muốn nghe", Griffiths nói.
![]() |
Các binh sĩ xem thông tin về người mất tích. Ảnh: AFP |
Không có người lính nào tại cuộc trao đổi gần đây nhất trả lời Brodovska, người đứng cạnh lối vào bệnh viện đang hôn ảnh chân dung con trai. Bà sẽ tiếp tục tìm kiếm tin tức và tiếp tục gửi tin nhắn hàng ngày cho con trên WhatsApp, dù anh chưa từng trả lời.
"Cho mẹ một dấu hiệu, con trai, làm ơn. Chỉ một dấu hiệu thôi là con vẫn còn sống hôm nay", bà nói. "Mẹ sẽ chờ, mẹ sẽ đi đến tất cả các cuộc trao đổi, mẹ sẽ gọi và viết thư cho mọi người".
Hồng Hạnh (Theo AFP)