Lễ hội Hanagasa Yamagata là một trong những sự kiện mùa hè nổi tiếng nhất ở vùng Tohoku, Nhật Bản, với những vũ công cầm nón cói đính hoa giả và chuông nhỏ, gọi là nón hanagasa hay nón hoa, diễu hành trên đường phố.
Lễ hội hồi tháng 8/2024 thu hút 700.000 du khách tham dự, với khoảng 10.000 vũ công diễu hành cùng xe hoa qua trung tâm thành phố. 90% nón hanagasa trong lễ hội được sản xuất bởi công ty đồ lưu niệm Shobido ở Yamagata.
Yoshiaki Henmi, 64 tuổi, chủ tịch Shobido, cho biết công ty mỗi năm bán khoảng 4.000 nón hanagasa cho đoàn diễu hành. Tuy nhiên, do thiếu nguyên vật liệu và thợ thủ công, công ty đã buộc phải từ chối đơn hàng 1.000 nón vào năm ngoái.
![]() |
Các vũ công cầm nón hoa diễu hành tại lễ hội Hanagasa Yamagata năm 2017. Ảnh: AFP |
Cói làm nón ở tỉnh Yamagata được trồng chủ yếu ở thành phố Yamagata, Iide và Obanazawa, nhưng thời tiết khô hạn, nắng nóng năm 2024 khiến cói không dày. Cói mỏng đồng nghĩa công ty cần nhiều nguyên liệu hơn để hoàn thành một chiếc nón hanagasa, khiến sản lượng nón giảm mạnh.
Bên cạnh đó, những nghệ nhân làm nón thủ công ở những khu vực như Nakatsugawa tại Iide ngày càng lớn tuổi. 10 năm trước, khu vực này có 15 thợ thủ công làm nón, nay chỉ còn 5 nữ nghệ nhân 70-90 tuổi.
Những năm gần đây, Natatsugawa chỉ sản xuất khoảng 2.000 nón một năm, so với 10.000 chiếc vào thời đỉnh cao. Giới chức từng tổ chức chương trình đào tạo chuyên sâu để bồi dưỡng thợ thủ công trẻ nhưng sáng kiến này không kéo dài được lâu.
Do thiếu 1.000 nón, các vũ công, nhóm diễu hành trong lễ hội năm ngoái đã phải dùng chung nón suốt sự kiện. Chủ tịch Henmi sau đó quyết định tìm nguồn cung mới. "Cần phải bảo tồn lễ hội mùa hè tiêu biểu của Yamagata", ông nhớ lại suy nghĩ khi đó.
Ông liên hệ với chi nhánh Yamagata của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO). Kenji Koga, giám đốc chi nhánh, từng làm việc tại văn phòng Hà Nội của JETRO ở Việt Nam trong hơn ba năm.
Ông Koga nhanh chóng đề xuất ý tưởng sản xuất nón hoa ở Việt Nam, khuyên ông Henmi tìm đến những nghệ nhân Việt Nam làm nón lá, có vẻ ngoài giống nón hanagasa.
![]() |
Yoshiaki Henmi, 64 tuổi, chủ tịch Shobido, cầm trên tay nón hanagasa sản xuất từ Việt Nam. Ảnh: Mainichi |
Ông Koga sau đó nhờ sự giúp đỡ từ các mối quan hệ ở Việt Nam cũng như từ vợ là chị Tran, người Việt 37 tuổi, để chuẩn bị cho kế hoạch này, nhằm "giải cứu" lễ hội.
Dự án càng được thúc đẩy nhờ sức ảnh hưởng của phim truyền hình Oshin do Đài Truyền hình Nhật Bản (NHK) quay tại tỉnh Yamagata năm 1980, vốn rất nổi tiếng tại Việt Nam.
Xóm Giải Tây, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, được chọn làm địa điểm sản xuất, với 200 nghệ nhân sản xuất 80.000 nón lá mỗi năm. Lãnh đạo Giải Tây đã đồng ý hỗ trợ sản xuất nón hanagasa. Hai phía Việt Nam và Nhật nhiều lần thảo luận về vấn đề này qua các cuộc họp trực tuyến.
Cuối năm 2024, ông Koga và ông Henmi sang Việt Nam, dành ba ngày tại nhà của lãnh đạo Giải Tây để hướng dẫn về phương pháp làm nón hanagasa.
Nghệ nhân Việt Nam nhanh chóng tạo ra nguyên mẫu hanagasa từ lá cọ và thân tre. "Tôi đã rất kinh ngạc với sự khéo léo của nghệ nhân Việt Nam, dù vật liệu và kỹ thuật đan khác với Nhật Bản", ông Henmi kể. "Khi ấy, tôi thấy chỉ cần tinh chỉnh chút là có thể hoàn thành một chiếc nón chất lượng".
Ông Koga cũng rất hài lòng về kết quả. "Tôi bỏ tiền túi cho các chuyến đi thảo luận về vấn đề này. Với tư cách là cư dân Yamagata, đây là trải nghiệm quý giá", ông nói.
![]() |
Nghệ nhân xóm Giải Tây, Bình Lục, Hà Nam đan nón lá. Ảnh: Asahi |
Ông Henmi đã đặt làm 1.500 nón hanagasa với hai kích cỡ có đường kính lần lượt là 33 cm và 48 cm vào cuối tháng 1. Lô hàng đã hoàn thiện hồi cuối tháng 4, dự kiến được chuyển đến Yamagata vào cuối tháng 5. Ông Koga kỳ vọng sáng kiến này sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Henmi đã gặp thị trưởng Yamagata Takahiro Sato hồi tháng 2. "Thật vui khi các bên liên quan cùng chung tay tìm ra giải pháp trên quy mô quốc tế. Tôi rất mong được thấy những chiếc nón từ Việt Nam tô điểm sắc màu lễ hội năm nay", ông Sato nói.
Những chiếc nón từ Việt Nam có thể giúp lễ hội tránh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong một thời gian, song vấn đề nguồn cung trong tỉnh vẫn chưa được giải quyết. Giới chức các tỉnh lân cận Iwate và Miyagi gần đây đã đề nghị hỗ trợ sản xuất, khắc phục tình trạng khan hiếm nón hanagasa.
"Chúng tôi sẽ duy trì thỏa thuận với đối tác Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy ngành đan nón thủ công ở Nhật Bản một cách nghiêm túc", ông Henmi nói.
Đức Trung (Theo Asahi, Mainichi, NHK)