Khi gặp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Phòng Bầu dục ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các nhân viên Nhà Trắng phát một video 4 phút lên màn hình, nói đây là bằng chứng cho thấy các chính trị gia Nam Phi da màu kêu gọi đàn áp người da trắng.
Cuối video là cảnh quay trên không cho thấy hàng nghìn cây thánh giá trắng bên lề đường. Ông Trump mô tả đây là nơi chôn hơn 1.000 người Afrikaner bị sát hại trong những năm gần đây. Người Afrikaner là hậu duệ da trắng của những người Hà Lan và Pháp đến Nam Phi vào những năm 1650.
"Những chiếc xe xếp hàng dọc con đường, khi người dân tới viếng người thân đã bị sát hại", ông Trump tuyên bố. "Đó là cảnh tượng khủng khiếp. Tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế".
Tổng thống Mỹ không đề cập đến vị trí của con đường. Dựa vào hình ảnh trong video, các nhà phân tích xác định đây là P39-1, đoạn đường nhựa nối hai thị trấn nhỏ Newcastle và Normandein ở tỉnh KwaZulu-Natal của Nam Phi.
Con đường nằm ở vùng hẻo lánh và vốn không được nhiều người biết đến, nhưng bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu sau tuyên bố của ông Trump tại Phòng Bầu dục.
Phóng viên BBC đã đến thăm khu vực này một ngày sau đó và nhận thấy con đường này cũng giống như bất kỳ tuyến đường bình thường nào khác ở Nam Phi và không có "bãi chôn" nào như lời ông Trump mô tả. Hàng cây thánh giá từng được dựng hai bên đường trong một sự kiện năm 2020, nhưng đã bị dẹp bỏ từ lâu, gần đó là một nhà máy xay ngũ cốc mới.
Người dân sống gần con đường tỏ nỗi sốc khi biết khu vực trở thành tâm điểm chú ý sau tuyên bố của ông Trump. Nhiều người nói việc con đường có bãi chôn người Afrikaner là sai sự thật, dù cho biết dãy thánh giá là dấu hiệu rõ nét về quan hệ chủng tộc mong manh ở Nam Phi.
Roland Collyer, nông dân Afrikaner trong khu vực, là người hiểu rõ cả hai điều này.
Anh cho biết dãy thánh giá trong video là do người dân dựng lên tạm thời, nhằm phản đối tình trạng bạo lực nhằm vào người Afrikaner trên khắp Nam Phi, sau vụ chú và dì của anh là Glen và Vida Rafferty thiệt mạng tại nhà trong vụ giết người cướp của 5 năm trước.
![]() |
Đường P39-1 cắm thánh giá hồi năm 2020. Ảnh: BBC |
"Video mà các bạn đã xem được quay ở đoạn đường này", Collyer nói với các phóng viên BBC. "Những cây thánh giá mang tính biểu tượng, phản ánh những gì diễn ra ở Nam Phi".
Vụ sát hại gia đình Rafferty gây rúng động khu vực, làm căng thẳng chủng tộc leo thang. Lãnh đạo cảnh sát Nam Phi đã đến thăm địa phương này để kêu gọi người dân bình tĩnh, khi các cuộc biểu tình của người Afrikaner bùng phát và người da màu địa phương tố bị chủ trại da trắng ngược đãi.
Rob Hoatson, hàng xóm của vợ chồng Rafferty, cho biết ông là một trong những người tổ chức sự kiện cắm 2.500 cây thánh giá ven đường để tưởng niệm cặp vợ chồng bị sát hại, nhằm thu hút sự chú ý của công chúng vào thời điểm đó.
"Đó không phải nơi chôn cất hơn 1.000 nông dân da trắng. Nó giống một đài tưởng niệm tạm thời", ông Hoatson nói.
Collyer tiếp tục làm nông trong khu vực, nhưng hai con trai của vợ chồng Rafferty đã rời đi sau khi cha mẹ bị sát hại. Người con trai út đã chuyển đến Australia, còn người anh lớn đã bán căn nhà, bỏ nghề nông và đến thành phố định cư.
Năm 2022, hai nghi phạm người Nam Phi sát hại vợ chồng Rafferty bị bắt, sau đó bị kết án chung thân và 21 năm tù.
![]() |
Vị trí Normandein ở Nam Phi. Đồ họa: BBC |
Đối với nhiều người trong cộng đồng, đây là hành động thực thi công lý hiếm hoi, khi hàng nghìn vụ giết người vẫn chưa được giải quyết trên toàn quốc và tỷ lệ tội phạm gia tăng chưa được kiểm soát, điều Tổng thống Ramaphosa thừa nhận với ông Trump tại Phòng Bầu dục ngày 21/5.
Dù ông Trump nêu thông tin không đúng thực tế về "con đường tử thần", Tổng thống Collyer không tìm cách phản bác một cách gay gắt, mà nói rằng ông vẫn vui vì lãnh đạo Mỹ tập trung chỉ trích các cuộc tấn công nhằm vào nông dân da trắng.
"Vụ cắm thánh giá là nhằm thu hút truyền thông quốc tế, để họ hiểu những gì chúng tôi thực sự đang phải trải qua ở Nam Phi", ông nêu suy nghĩ. "Chúng tôi phải ở trong nhà khi trời tối, sống sau hàng rào điện. Đó là cuộc sống hiện tại, bạn sẽ không muốn sống như vậy".
Đây cũng là nỗi sợ chung của nhiều người Nam Phi, thuộc mọi chủng tộc, khi quốc gia ghi nhận hơn 26.000 vụ giết người năm 2024, phần lớn nạn nhân là người da màu, các chuyên gia an ninh cho biết.
![]() |
Ông Roland Collyer trả lời phỏng vấn tại Normandein, Nam Phi. Ảnh: BBC |
Quan hệ Mỹ - Nam Phi đi xuống sau khi ông Ramaphosa hồi tháng 1 ký đạo luật quy định chính phủ có thể tịch thu đất đai vì lợi ích công mà không cần bồi thường trong một số trường hợp. Quyền sở hữu đất là vấn đề gây tranh cãi lâu nay ở Nam Phi, bởi đa số đất nông nghiệp vẫn thuộc về những người da trắng sau khi chế độ apartheid kết thúc cách đây ba thập kỷ.
Tổng thống Trump đã mời tất cả người Afrikaner "mất đất" ở Nam Phi đến Mỹ tị nạn, nhóm đầu tiên gồm 49 người đã đến Washington hồi đầu tháng, dù Mỹ đã gần như ngừng tiếp nhận người tị nạn từ phần còn lại của thế giới.
Nhưng ông Collyer khẳng định sẽ ở lại Normandein và không có ý định rời khỏi Nam Phi.
"Không dễ rời bỏ những gì ông cha đã làm việc chăm chỉ để lại cho tôi ngày hôm nay. Không dễ để rời đi sau nhiều thế hệ. Thật không may, người Afrikaner da trắng phải gánh chịu hậu quả nặng nề ở Nam Phi. Nhưng vào lúc này, tôi không nghĩ đến chuyện đi, tôi còn yêu đất nước này quá nhiều", ông nói.
"Nhưng tôi luôn nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu có thể cùng chung tay. Và tôi nghĩ Nam Phi đủ người, cả da màu lẫn da trắng, sẵn sàng làm điều này, cùng nhau giúp quốc gia thành công", ông chia sẻ.
Đức Trung (Theo BBC, AP)