Bộ Ngoại giao cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 21/4 gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin.
Cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi điện chia buồn đến Ngoại trưởng Tòa thánh Vatican, Tổng giám mục Paul Richard Gallagher.
![]() |
Giáo hoàng Francis cử hành Thánh lễ Phục sinh tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican hồi tháng 3/2024. Ảnh: AP |
Giáo hoàng Francis qua đời sáng 21/4 tại nơi ở của ông trong Vatican, do bị đột quỵ não, hôn mê, suy tim. Ông từng trải qua 5 tuần điều trị viêm phổi tại bệnh viện Gemelli ở Rome, trước khi được xuất viện hôm 23/3.
Một ngày trước khi qua đời, Giáo hoàng vẫn xuất hiện trước công chúng trên chuyên xa ở Quảng trường Thánh Peter trong lúc hàng nghìn tín đồ đổ về Vatican để đón Thánh lễ Phục sinh.
Giáo hoàng Francis có tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17/12/1936 tại Buenos Aires, Argentina. Ông là con cả trong một gia đình gốc Italy nhập cư. Trước khi bước vào con đường tu trì, ông từng học kỹ thuật hóa học và làm việc tại một phòng thí nghiệm.
Ông được phong chức linh mục vào năm 1969 và dần đảm nhận các vai trò quan trọng, từ giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina đến Tổng Giám mục Buenos Aires vào năm 1998. Năm 2001, ông được Giáo hoàng John Paul II phong Hồng y. Ông nổi tiếng với lối sống đơn sơ, gần gũi người nghèo, thường xuyên đi lại bằng phương tiện công cộng.
Ông trở thành lãnh đạo Giáo hội Công giáo vào ngày 13/3/2013, sau khi Giáo hoàng Benedict XVI từ chức ngày 28/2/2013, đánh dấu lần đầu tiên có một Giáo hoàng đến từ châu Mỹ và Nam bán cầu. Ông không ở tại dinh thự Giáo hoàng truyền thống, mà chọn sống tại Nhà Thánh Marta, nơi lưu trú của các linh mục làm việc tại Vatican.
Trong những năm đảm nhiệm vai trò đứng đầu Vatican, Giáo hoàng Francis nỗ lực bảo vệ những người yếu thế, từ người di cư đến các cộng đồng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Ông luôn thể hiện sự khiêm nhường, giản dị và thường gọi điện trò chuyện với các góa phụ, nạn nhân bị cưỡng hiếp hoặc tù nhân.
Vũ Hoàng