"Hỡi các anh chị em tín hữu, chúc mừng Lễ Phục sinh", Giáo hoàng Francis ngày 20/4 phát biểu với giọng nhỏ và khàn trước hàng chục nghìn tín đồ tập trung tại Quảng trường Thánh Peter. Các tín đồ đứng bên dưới, chắp tay lắng nghe lời ban phước của Giáo hoàng 88 tuổi, mà không biết rằng đây là Thánh lễ Phục sinh cuối cùng trong cuộc đời ông.
Giáo hoàng không trực tiếp cử hành thánh lễ mà ủy quyền cho Hồng y Angelo Comastri làm chủ tế. Sau khi thánh lễ kết thúc, các phụ tá dùng xe lăn đưa ông ra ban công trước Vương cung Thánh đường Thánh Peter, nơi Giáo hoàng ban phép lành bằng tiếng Latin trước đám đông hơn 35.000 người trong hơn 20 phút, theo ước tính của Vatican.
Sau đó, trên chiếc xe mui trần Popemobile đặc trưng, ông di chuyển chậm rãi qua biển người liên tục hô vang: "Viva il Papa! Bravo!" (Đức Giáo hoàng vạn tuế).
Ông vẫy tay chúc mừng và dừng lại nhiều lần để ban phép lành cho các em bé được đưa đến gần. "Anh chị em thân mến, nguyện phước lành Phục sinh", ông nhiều lần nói.
Theo Sun, buổi lễ diễn ra dưới trời nắng, với nhiệt độ ở Rome khoảng 21°C. Giáo hoàng Francis đã ở ngoài trời tổng cộng khoảng 50 phút để ban phước lành cho các tín đồ trong dịp lễ quan trọng, dù các bác sĩ khuyến cáo ông phải nghỉ ngơi hoàn toàn sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện vì viêm phổi.
Ngày làm việc cuối cùng của Giáo hoàng không dừng lại ở đó. Ông còn tiếp Phó tổng thống Mỹ JD Vance tại nhà khách Domus Santa Marta, trao nhau lời chúc Phục sinh. "Con biết dạo này sức khỏe ngài không tốt, thật mừng khi thấy ngài trông khỏe hơn hôm nay. Con cảm ơn ngài vì đã tiếp đón", ông Vance nói.
Đoàn xe của ông Vance ở trong khuôn viên Vatican khoảng 17 phút. Theo thông cáo của Vatican, Giáo hoàng Francis đã tặng cho Phó tổng thống Mỹ ba quả trứng Phục sinh, dành cho ba người con của ông, cùng với một chiếc cà vạt của Vatican và tràng hạt.
![]() |
Giáo hoàng Francis tiếp Phó tổng thống Mỹ JD Vance ở Vatican ngày 20/4. Ảnh: AP |
Sáng hôm sau, Vatican bất ngờ thông báo Giáo hoàng Francis đã qua đời lúc 7h35 tại Nhà Thánh Marta, hưởng thọ 88 tuổi, sau hơn 12 năm lãnh đạo Giáo hội Công giáo.
Giấy chứng tử được ký bởi giáo sư Andrea Arcangeli, giám đốc y tế của Vatican, cho thấy Giáo hoàng qua đời vì "đột quỵ não, hôn mê, suy tim không thể hồi phục". Theo giấy chứng tử, Giáo hoàng từng bị suy hô hấp cấp tính khi ông điều trị viêm phổi kép tại bệnh viện. Giáo hoàng còn bị tăng huyết áp động mạch, giãn phế quản nhiều lần và tiểu đường type 2, căn bệnh chưa được công khai trước đó.
Bài giảng lễ Phục sinh cuối cùng của Giáo hoàng Francis giờ đây đã trở thành lời từ biệt cảm động dành cho nhân loại, với thông điệp kêu gọi hòa bình trên toàn thế giới.
"Tình yêu sẽ chiến thắng hận thù, ánh sáng sẽ vượt lên bóng tối, sự thật sẽ vượt lên giả dối và tha thứ chiến thắng hận thù. Cái ác không biến mất khỏi lịch sử, nó vẫn tồn tại cho đến tận cùng, nhưng nó không còn nắm quyền thống trị, không còn sức mạnh với những ai đón nhận ân sủng của ngày hôm nay", Giáo hoàng Francis nhấn mạnh thông điệp bác ái trong bài giảng.
Ông nhắc đến Trung Đông đầu tiên, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza, trả tự do cho các con tin và mở lối cho viện trợ nhân đạo. Lời cầu nguyện của Giáo hoàng còn hướng đến Lebanon và Syria, những nơi đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp chính trị nhiều nguy cơ, đồng thời kêu gọi giải pháp cho "cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và kéo dài nhất thế giới" tại Yemen.
"Nguyện Chúa ban cho Ukraine, vùng đất đang bị tàn phá bởi chiến tranh, món quà Phục sinh hòa bình và khuyến khích các bên tiếp tục nỗ lực vì một nền hòa bình công bằng và bền vững", Giáo hoàng Francis viết trong bài giảng được Vatican công bố.
Ngài cũng nhấn mạnh lời kêu gọi về tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do biểu đạt và tôn trọng quan điểm khác biệt để xây dựng nền hòa bình khắp thế giới. "Hòa bình cũng không thể tồn tại nếu không có giải trừ vũ trang thực chất. Quyền tự vệ không nên biến thành cuộc chạy đua vũ trang", ông viết, kêu gọi các quốc gia sử dụng tài nguyên để chống đói nghèo, đầu tư vào phát triển và "chăm sóc lẫn nhau".
Giáo hoàng Francis cũng gửi lời cầu nguyện đến Myanmar, nơi đang chịu hậu quả nặng nề từ cuộc động đất ở Sagaing sau nhiều năm nội chiến. "Chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân và người thân của họ, và chân thành cảm ơn các tình nguyện viên đang nỗ lực cứu trợ. Diễn biến các bên ở Myanmar tuyên bố ngừng bắn trong thời gian cứu trợ động đất là dấu hiệu hy vọng cho toàn đất nước", ông viết.
![]() |
Giáo hoàng xuất hiện ở ban công phía trên cổng vào Vương cung Thánh đường Thánh Peter, ban phước lành cho các tín đồ, ngày 20/4. Ảnh: AP |
Ngay sau buổi giảng, Giáo hoàng Francis cũng đăng trên mạng xã hội X thông điệp kêu gọi hòa bình.
"Chúa Kitô đã sống lại! Những lời này chứa đựng toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống: Con người không sinh ra để chết, mà để sống. Tôi mong chúng ta có thể tái sinh niềm hy vọng hòa bình. Nguyện ánh sáng hòa bình từ đây lan tỏa khắp Đất Thánh và toàn thế giới", ông viết.
"Chúa đã chiến thắng tội lỗi và đánh bại cái chết. Quyền năng Phục sinh vẫn đang ngự nơi trần thế. Như một hạt giống nhỏ của ánh sáng, quyền năng này đã được trao cho chúng ta gìn giữ và nuôi dưỡng. Anh chị em thân mến, trong niềm hân hoan của đức tin Phục sinh, mang theo trong tim mọi khát vọng hòa bình và tự do, chúng ta nguyện với Chúa: Mọi sự đều được đổi mới, mọi sự đều được khởi đầu lại", Giáo hoàng Francis viết.
Thanh Danh (Theo Vatican News, Sun, Hindustan Times, NDTV)