Vatican ngày 21/4 công bố di nguyện về nơi an nghỉ cuối cùng của Giáo hoàng Francis, vài giờ sau khi ông qua đời tại Nhà Thánh Marta, hưởng thọ 88 tuổi.
Không giống như nhiều người tiền nhiệm an nghỉ trong hầm mộ của Vương cung Thánh đường Thánh Peter, Giáo hoàng Francis muốn được chôn cất trong gian giữa nhà nguyện Pauline và nhà nguyện Sforza của Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả tại Rome.
"Ngôi mộ nằm dưới đất, đơn giản, không có thêm món đồ trang trí đặc biệt nào và chỉ khắc dòng chữ Franciscus", Giáo hoàng viết trong di nguyện.
Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả là nhà thờ có từ thế kỷ thứ năm và nằm tại trung tâm thủ đô Rome của Italy. Đây là một trong bốn vương cung thánh đường của Giáo hội ở Rome và là nhà thờ lớn nhất trong số các cơ sở thờ tự dành cho Đức Mẹ Đồng Trinh trong thành phố.
![]() |
Giáo hoàng Francis tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả tại thủ đô Rome, Italy hồi năm 2021. Ảnh: Reuters |
Giáo hoàng Francis rất tận tụy với việc thờ phụng Đức Mẹ Đồng Trinh. Ông thường cầu nguyện tại nhà thờ trước khi khởi hành các chuyến công du nước ngoài và khi trở lại Rome. Tháng 3/2020, trong đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19, Giáo hoàng rời Tòa thánh Vatican, đến Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả để cầu nguyện chấm dứt đại dịch.
Lần cuối ông đến nhà thờ và cầu nguyện trước Đức Mẹ là ngày 12/4, đánh dấu sự khởi đầu của Tuần Thánh với đỉnh điểm là Lễ Phục sinh.
"Ngài ấy đã đến đây 125 lần kể từ khi trở thành Giáo hoàng và luôn mang theo hoa", Cha Ivan Ricupero, người chủ trì các nghi lễ của vương cung thánh đường, nói.
Giáo hoàng đã bày tỏ mong muốn được chôn cất ở nhà thờ này từ năm 2023. Bảy giáo hoàng từng được chôn cất ở Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả. Đây cũng là nơi lưu giữ thi hài của một số người nổi tiếng khác như kiến trúc sư kiêm nhà điêu khắc Gian Lorenzo Bernini, người thiết kế Quảng trường Thánh Peter và các cột xung quanh nó.
Truyền thuyết kể rằng một cặp vợ chồng La Mã giàu có không có con muốn hiến tặng tài sản cho Đức Mẹ Đồng Trinh. Bà hiện ra trong giấc mơ của họ và nói rằng hãy xây một nhà thờ để vinh danh bà tại nơi có phép lạ xảy ra. Vào một đêm mùa hè tháng 8/352, tuyết đã rơi trên ngọn đồi Esquiline, vị trí của nhà thờ hiện tại.
Một truyền thuyết khác cho hay Giáo hoàng Liberius đã mơ thấy Đức Mẹ, trong đó bà bảo ông xây nhà thờ nơi có trận tuyết rơi mùa hè tháng 8/352.
Tuy nhiên, Vatican cho hay những tàn tích của nhà thờ khi đó đã không còn. Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả hiện nay bắt đầu được xây dựng dưới thời Giáo hoàng Sixtus III vào khoảng năm 432. Quyết định được đưa ra sau khi hội đồng giám mục Công đồng Ephesus II năm 431 khẳng định Đức Mẹ Maria thực sự là mẹ của Chúa Jesus.
Nhà thờ trải qua nhiều giai đoạn xây dựng, dù nội thất vẫn giữ được nhiều yếu tố nguyên bản của vương cung thánh đường. Gian giữa gồm 40 cột đá cẩm thạch cùng những bức tranh khảm tinh xảo màu xanh và vàng, có niên đại từ thời điểm nhà thờ được xây dựng và mô tả những câu chuyện từ thời Cựu Ước. Mái vòm cũng được trang trí nhiều bức tranh khảm có niên đại từ thế kỷ 5, miêu tả Chúa Jesus khi còn nhỏ.
Vào thế kỷ 13, Giáo hoàng Nicholas IV đã ủy quyền cho nghệ sĩ Jacopo Torriti tạo ra một loạt tranh khảm khác, mô tả hình ảnh trong cuộc đời của Đức Mẹ Maria, để trang trí các khu vực mới được xây dựng.
![]() |
Bên ngoài Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả tại thủ đô Rome, Italy ngày 21/4. Ảnh: Reuters |
Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả có một số nhà nguyện. Nhà nguyện Sistine do Domenico Fontana xây dựng giai đoạn 1585-87 và trở thành nhà nguyện lớn nhất Rome thời điểm đó. Nơi đây chứa các bức bích họa của Cesare Nebbia và Giovanni Guerra miêu tả cảnh thời thơ ấu của Chúa Jesus, cũng như một nhà bí tích bằng đồng mạ vàng của Ludovico del Duca.
Ngay bên ngoài Nhà nguyện Sistine là lăng mộ của hai nhà điêu khắc Pietro và Gian Lorenzo Bernini. Nơi làm việc của hai nhà điêu khắc được đặt phía sau Nhà nguyện Pauline. Hai nhà điêu khắc này đã đóng góp rất nhiều tác phẩm cho Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả.
Mặt tiền của vương cung thánh đường được xây dựng vào giữa thế kỷ 18 bởi kiến trúc sư Italy Ferdinando Fuga. Phía bên ngoài là tháp chuông Romanesque cao gần 76 m, tháp cao nhất ở Rome.
Vương cung Thánh đường lưu giữ một số thánh tích quan trọng của Giáo hội, trong đó có bức tranh Đức Mẹ Đồng Trinh đang bế Chúa Jesus Hài Đồng. Nhà thờ cũng lưu giữ những mảnh gỗ được cho là từ cũi của Chúa Jesus.
Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, tang lễ của ông sẽ được tổ chức trong 9 ngày tại Vatican, với hàng loạt nghi thức truyền thống được tuân thủ nghiêm ngặt. Khác với truyền thống trước đây, thi thể Giáo hoàng sẽ không được đặt trên một bục cao hay nhà táng mà có thể vẫn nằm trong quan tài. Công chúng có thể tới ngắm nhìn và từ biệt ông lần cuối.
Điều này phù hợp với quan điểm đề cao những điều đơn giản của Giáo hoàng Francis và việc ông không thích những nghi lễ quá cầu kỳ cho cái chết của mình.
Thùy Lâm (Theo AFP, Britannica, NBC New York)