Giáo hoàng Francis từng nhiều lần kể về thời thơ ấu của mình, khi ông chơi đùa trên đường phố thủ đô Buenos Aires của Argentina với quả bóng làm từ giẻ rách. Ông thừa nhận mình "không phải người giỏi nhất" và "có hai chân trái" nên chọn chơi ở vị trí thủ môn. Giáo hoàng Francis cho rằng đây là cách tốt để học ứng phó "những mối nguy hiểm có thể đến từ bất cứ đâu".
Tình yêu bóng đá của Giáo hoàng luôn gắn liền với lòng trung thành cùng câu lạc bộ San Lorenzo ở Buenos Aires. Ông thường đến xem các trận đấu cùng cha và anh em. "Đó là thứ bóng đá lãng mạn", Giáo hoàng Francis nói về câu lạc bộ San Lorenzo.
Ông vẫn dành tình yêu cho đội bóng kể cả sau khi trở thành Giáo hoàng. Ông luôn được cập nhật tình hình câu lạc bộ nhờ một trong các lính Vệ binh Thụy Sĩ, người để kết quả các trận đấu và bảng xếp hạng trên bàn làm việc của Giáo hoàng.
Bóng đá được so sánh như một tôn giáo với người hâm mộ và Giáo hoàng Francis đã không ít lần tổ chức thánh lễ tại các sân vận động khi công du nước ngoài.
![]() |
Giáo hoàng Francis cầm cúp Libertadores cùng các thành viên đội bóng San Lorenzo hồi năm 2014. Ảnh: AFP |
Giám mục Emmanuel Gobilliard, đại diện phái đoàn Vatican tại Olympic Paris 2024, khẳng định Giáo hoàng Francis hiểu rõ vai trò quan trọng của bóng đá với đời sống xã hội. "Môn thể thao này là một phần cuộc sống của mọi người", ông nói.
Ngoài niềm đam mê với bóng đá, Giáo hoàng Francis còn coi môn thể thao này là cách để giáo dục và lan tỏa hòa bình.
Năm 2014, một "trận đấu liên tôn giáo vì hòa bình" được tổ chức ở sân vận động Olympic ở Rome theo sáng kiến của Giáo hoàng Francis. "Nhiều người cho rằng bóng đá là môn thể thao đẹp nhất thế giới. Tôi cũng nghĩ như vậy", Giáo hoàng Francis nói vào năm 2019.
Ngay từ năm 2013, khi phát biểu trước đội tuyển Italy và Argentina, Giáo hoàng đã nhắc nhở các cầu thủ về trách nhiệm xã hội của họ và cảnh báo về những "hành vi kinh doanh" trong bóng đá.
Giám mục Gobilliard nhấn mạnh mục tiêu của bóng đá là "đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu, vượt lên trên lợi ích cá nhân", khẳng định điều này tương đồng với tôn giáo. "Chúng ta đều đang phục vụ điều gì đó lớn lao hơn chính bản thân mình", ông nói.
Tình yêu của Giáo hoàng Francis dành cho bóng đá là nguồn cảm hứng cho cảnh trong bộ phim Hai Giáo hoàng được chiếu trên Netflix hồi năm 2019. Trong đó, Giáo hoàng Francis, lúc bấy giờ là Hồng y, cùng theo dõi trận chung kết World Cup 2014 giữa Argentina và Đức với Giáo hoàng Benedict XVI, người sinh ra tại Đức.
Cảnh phim trên hoàn toàn là hư cấu. Giáo hoàng Francis đã ngừng xem TV từ năm 1990, thời điểm đội tuyển Tây Đức đánh bại Argentina trong trận chung kết World Cup do Italy đăng cai. Trong khi đó, Giáo hoàng Benedict XVI lại chỉ thích nhạc cổ điển và đọc sách.
Giáo hoàng Francis dành hẳn một chương trong cuốn tự truyện phát hành năm 2024 để viết về huyền thoại bóng đá Maradona. Màn ghi bàn của Maradona từng giúp Argentina đánh bại Anh trong trận tứ kết World Cup 1986, khiến nó được đặt biệt danh là "bàn tay của Chúa".
"Khi tôi, với tư cách là Giáo hoàng, tiếp Maradona tại Vatican cách đây vài năm, tôi đã hỏi đùa ông ấy rằng 'vậy đâu là bàn tay tội lỗi?'", Giáo hoàng cho biết trong tự truyện.
Dù thể hiện rõ tình yêu với câu lạc bộ San Lorenzo, Giáo hoàng Francis vẫn cố gắng tránh thể hiện thiên vị bất kỳ đội bóng nào.
Năm 2022, trước trận chung kết World Cup giữa Pháp và Argentina tại Qatar, ông đã kêu gọi người chiến thắng "ăn mừng một cách khiêm tốn".
Khi được hỏi ai là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá, Giáo hoàng đã khéo léo trả lời để không phải lựa chọn ai giữa Maradona hay Lionel Messi.
"Maradona, với tư cách một cầu thủ, rất tuyệt vời. Nhưng với tư cách một con người, ông ấy đã thất bại", Giáo hoàng nói, ám chỉ đến nhiều hàng chục năm Maradona chiến đấu với chứng nghiện rượu và ma túy.
Giáo hoàng mô tả Messi là "một quý ông" nhưng thêm rằng nếu phải lựa chọn, ông sẽ chọn Pele và gọi đó là "người đàn ông với trái tim nồng ấm".
Theo thông báo từ Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Francis qua đời lúc 7h35 ngày 21/4 (12h35 giờ Hà Nội), một ngày sau khi ông xuất hiện trên chuyên xa Popemobile và di chuyển ở Quảng trường Thánh Peter, giữa lúc hàng chục nghìn tín đồ tập trung về Vatican để đón Thánh lễ Phục sinh.
Ông trở thành lãnh đạo Giáo hội Công giáo ngày 13/3/2013, đánh dấu lần đầu tiên có một Giáo hoàng đến từ châu Mỹ và Nam bán cầu. Giáo hoàng Francis từng hai lần cận kề cái chết hồi đầu năm nay do viêm phổi. Ông đã trải qua 5 tuần điều trị tại bệnh viện Gemelli ở Rome, trước khi được xuất viện hôm 23/3.
Vũ Hoàng (Theo AFP)