Chị Trinh, quê Thái Bình, có hai con, từng hai lần mang thai ngoài kế hoạch phải bỏ. Năm 2021, chị mang thai 5 tuần thì sảy, sau đó thêm hai lần thai lưu.
Bác sĩ Đỗ Thị Thu Trang, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), ghi nhận chỉ số dự trữ buồng trứng của chị Trinh giảm còn 1.10 ng/ml, hai vòi tử cung tắc. Xét nghiệm nội tiết cho thấy chức năng tuyến giáp suy giảm. Chị Trinh được kết luận vô sinh thứ phát do suy tuyến giáp, tắc vòi tử cung, phải thụ tinh ống nghiệm (IVF) mới có con, song tỷ lệ thành công thấp.
Bác sĩ Trang cho biết các hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng trong quá trình kích thích sinh trưởng và phát dục. Tuyến giáp bị suy giảm chức năng sẽ không sản xuất đủ hormone cần thiết, giảm chất lượng nang trứng và khả năng thụ tinh, niêm mạc tử cung mỏng, giảm khả năng làm tổ của phôi thai, dẫn đến vô sinh, hiếm muộn. Trường hợp này khi mang thai có thể gặp các biến chứng như thiếu máu, cao huyết áp, tiền sản giật, sảy thai, lưu thai. Trường hợp ít gặp, bệnh có thể gây suy tim, tăng nguy cơ tử vong khi mang thai. Thai nhi có thể chậm phát triển, gặp vấn đề thính giác, giảm nhận thức và khả năng vận động...
Khi thực hiện IVF, suy giáp cũng làm giảm độ nhạy của buồng trứng với thuốc kích trứng, dẫn đến ít nang trứng và trứng chất lượng thấp hơn. Ngay cả khi chuyển phôi thành công, phụ nữ cũng có nguy cơ cao sảy thai hoặc gặp các vấn đề về phát triển nhau thai. Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc kích thích buồng trứng có thể dẫn đến tăng nồng độ estrogen, từ đó tăng sản xuất globulin liên kết tuyến giáp (TBG) của cơ thể, làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa Hỗ trợ sinh sản và Nội tiết phối hợp lên phác đồ điều trị cá thể hóa cho người bệnh. Trước khi thực hiện IVF, chị Trinh được chỉ định dùng thuốc nội tiết để cân bằng nồng độ hormone tuyến giáp. Người bệnh thăm khám chức năng tuyến giáp mỗi 4 tuần để điều chỉnh liều thuốc phù hợp cho đến khi tình trạng ổn định.
Bác sĩ kích thích nhẹ buồng trứng hai lần nhằm gom noãn (trứng) cho người bệnh, tối ưu số phôi thu được, tăng khả năng mang thai thành công. Qua hai lần gom, số noãn đạt đủ điều kiện được thụ tinh bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI). Phôi được nuôi cấy trong tủ time-lapse trang bị camera theo dõi 24/24h và tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo, giúp chuyên viên phôi học dễ phát hiện những bất thường trong quá trình phân chia tế bào. Bác sĩ chọn phôi chất lượng tốt chuyển vào tử cung, chị Trinh đậu thai.
![]() |
Bác sĩ Trung tâm IVF Tâm Anh thực hiện chọc hút noãn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Người mẹ tiếp tục được theo dõi và điều chỉnh liều thuốc phù hợp để duy trì nồng độ hormone tối ưu, kiểm soát các nguy cơ và hỗ trợ thai nhi phát triển. Giữa tháng 1, gia đình đón con thứ ba chào đời khỏe mạnh ở tuần thai 39 bằng phương pháp mổ.
Theo bác sĩ Trang, bệnh suy giáp thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Nam giới tuy ít gặp hơn nhưng tình trạng cũng có thể dẫn đến vô sinh do làm thiểu năng sinh dục, giảm ham muốn, rối loạn cương dương, giảm số lượng tinh trùng. Suy giáp thường không có hoặc không rõ triệu chứng, đôi khi nhầm lẫn với bệnh khác. Người bệnh có thể mệt mỏi, giảm khả năng chịu lạnh, giọng khàn, sưng mặt, tăng cân, táo bón, thay đổi tóc và da, nhịp tim chậm, giảm trí nhớ cùng khả năng tập trung, rối loạn kinh nguyệt.
Để phòng ngừa suy giáp và nguy cơ vô sinh hiếm muộn, bác sĩ Trang khuyên các cặp đôi bổ sung muối iốt vào bữa ăn hàng ngày theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Những thực phẩm chứa nhiều iot gồm trứng, sản phẩm từ sữa, thịt, gia cầm, hải sản, rong biển...
Nếu có biểu hiện suy giáp hoặc vợ chồng nỗ lực thụ thai một năm không thành công nên đi khám sức khỏe sinh sản sớm. Xét nghiệm tầm soát chức năng tuyến giáp toàn diện để xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công và sinh con khỏe mạnh ở nữ giới bị suy giáp được điều trị tương đương người có chức năng tuyến giáp bình thường. Thai phụ mắc bệnh suy giáp cần tuân thủ các lưu ý của bác sĩ khi dùng thuốc. Theo dõi và kiểm tra tuyến giáp thường xuyên mỗi 6-8 tuần.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |