Trả lời:
Thận có chức năng lọc các chất độc hại ra khỏi cơ thể, tạo nước tiểu và bài tiết nước tiểu. Thận có nhiều mạch máu nhỏ vừa là bộ lọc giúp lọc chất thải vừa giữ lại các phân tử hữu ích khác.
Người bệnh tiểu đường không kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định nên dễ làm tăng áp lực lọc cầu thận, khiến các mao mạch ở cầu thận tổn thương, ảnh hưởng đến bộ lọc. Điều này tạo điều kiện cho protein kích thước nhỏ thoát vào nước tiểu gây protein niệu (tiểu đạm). Đây là triệu chứng bệnh thận sớm và chỉ được phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm nước tiểu. Tiểu đạm lâu ngày có thể làm thận dần xơ hóa, giảm chức năng gây suy thận.
Bệnh thận trên nền tiểu đường thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Dấu hiệu như mệt mỏi, khó thở, buồn nôn, chán ăn, đi tiểu thường xuyên vào ban đêm, chuột rút, sưng phù mắt cá chân, bàn chân và bàn tay... xảy ra khi thận tổn thương nặng, suy thận. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận ở người tiểu đường như thói quen hút thuốc lá, béo phì, đường huyết không kiểm soát ổn định, cholesterol cao, tăng huyết áp, tiền sử gia đình có người mắc bệnh thận và tiểu đường.
![]() |
Xét nghiệm để tầm soát bệnh lý về thận. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Người bị tiểu đường type 1 và type 2 đều có nguy cơ mắc bệnh thận. Bác có nguy cơ suy thận nên duy trì kiểm tra định kỳ chức năng thận theo chỉ định của bác sĩ. Khi khám, bác sĩ chỉ định xét nghiệm nhằm kiểm tra các chỉ số albumin, protein xuất hiện trong nước tiểu, chẩn đoán và có hướng điều trị, kiểm soát kịp thời, ngăn suy thận nặng.
Người bệnh suy thận tiến triển giai đoạn cuối thường phải điều trị bằng cách chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận. Để phòng nguy cơ suy thận, người bệnh tiểu đường cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên, kiểm soát đường huyết, huyết áp, cholesterol, tuân thủ chỉ định khám và dùng thuốc của bác sĩ nhằm giảm biến chứng bệnh.
BS.CKII Trần Thùy Ngân
Đơn vị Nội tiết - Đái tháo đường
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |