Trả lời:
U phổi lành tính là thuật ngữ chỉ tổn thương dạng khối đặc từ 2 cm trở lên ở phổi (dưới 2 cm gọi là nốt phổi), tăng kích thước chậm, không ăn lan hoặc di căn tới các cơ quan khác nên thường không đe dọa tính mạng. Khối u xuất phát từ sự biến đổi cấu trúc mô phổi, nhưng theo hướng ít nguy hiểm hơn so với u ác tính (ung thư).
U phổi lành tính thực chất là do một số nguyên nhân bệnh lý như lao, nấm... Các u phổi lành tính thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt nên thường được phát hiện tình cờ khi chụp X-quang phổi hoặc chụp CT. Trong một số trường hợp, bệnh nhân u phổi có thể ho kéo dài, nặng ngực, ho ra máu, khó thở, khàn tiếng, sốt, sụt cân, mệt mỏi...
Không rõ u phổi của bạn phát hiện bao lâu và trong tình huống ra sao. Để chẩn đoán một u phổi lành tính cần biết bệnh sử, quá trình theo dõi, các phác đồ điều trị đã thực hiện. Nếu u phổi giữ nguyên kích thước trong ít nhất hai năm được coi là lành tính. Tuy vậy, bác sĩ vẫn tiếp tục kiểm tra nốt phổi của bạn mỗi năm, trong tối đa 5 năm thì mới đảm bảo thực sự là u lành.
Với các trường hợp u phổi lành tính được chẩn đoán nguyên nhân do lao, nấm..., bác sĩ sẽ cho bạn uống thuốc đúng theo bệnh lý để thu nhỏ khối u hoặc kìm hãm sự phát triển của nó. Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ (6 tháng một lần) nhằm theo dõi bất kỳ thay đổi nào về kích thước hoặc hình dạng của khối u.
![]() |
Bác sĩ phẫu thuật nội soi loại bỏ u phổi cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Thanh Luận |
Bác sĩ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối u phổi lành nếu bạn là người hút thuốc lá hoặc nguy cơ mắc ung thư cao, u có kích thước lớn chèn ép khí phế quản hay trung thất. Người bị khó thở hoặc gặp phải các triệu chứng đường hô hấp khó chịu khác, xét nghiệm cho thấy khối u có khả năng tiến triển thành ung thư, khối u phổi tiếp tục phát triển mà không có dấu hiệu ngừng lại... cũng cần phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật u phổi gồm mổ mở, mổ nội soi và mổ robot. Trong đó, phẫu thuật robot là kỹ thuật mới nhất hiện nay, với ưu điểm bóc tách triệt để khối u làm tăng hiệu quả điều trị, bệnh nhân ít đau hơn, ít mất máu, hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện, đường mổ nhỏ thẩm mỹ. Tùy thuộc vào vị trí và loại khối u, bác sĩ có thể cắt bỏ khối u, một hoặc nhiều phần của một thùy phổi, một hoặc hai thùy phổi hay toàn bộ một lá phổi. Trong mọi trường hợp, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ càng ít phổi càng tốt.
Hầu hết các khối u phổi lành tính đều phát triển chậm và không cần phẫu thuật, nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ tiến triển thành ác tính hoặc có biến chứng cần phẫu thuật. Bạn nên tuân thủ lịch tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng u. Nếu phát hiện u có sự thay đổi về hình dạng, kích thước, màu sắc hoặc kết cấu, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
BS.CKII Trần Công Quyền
Phó khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM