Trả lời:
Nếu viêm gan virus B mới được phát hiện nhưng khối u của bố bạn đã có từ ba năm trước có thể viêm gan virus B đã âm thầm tiến triển nhưng chưa được chẩn đoán. Bạn nên đưa bố đi kiểm tra lại, nếu khối u không thay đổi kích thước hoặc không có dấu hiệu ác tính (qua xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh) thì nguy cơ tiến triển ung thư gan có thể thấp hơn.
Để chẩn đoán, bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm máu tầm soát ung thư gan bao gồm Alpha-Fetoprotein (AFP), AFP-L3, Des-Gamma-Carboxy Prothrombin (DCP) hay còn gọi là PIVKA-II. AFP là chất chỉ dấu HCC (tế bào gây ung thư) có độ nhạy và chính xác cao. Xét nghiệm AFP-L3 có thể phát hiện tế bào ung thư hơn 90%. Xét nghiệm PIVKA-II giúp phát hiện dấu hiệu bất thường của ung thư sớm, khi u chưa phát triển quá lớn. Chỉ số xét nghiệm máu chỉ dấu ung thư tăng tức người bệnh có khả năng đã mắc ung thư.
Thông thường khi người bệnh có u gan từ trước, bác sĩ chẩn đoán xác định bằng phương pháp thăm dò không thâm nhập như chụp cộng hưởng từ để xem xét dấu hiệu đặc trưng của u gan lành tính hay ác tính. Nếu u gan ngấm thuốc nhanh, bác sĩ nghi ngờ khối u ác tính. Khối u lành tính thường có xu hướng ngấm thuốc chậm, thoát thuốc muộn.
![]() |
Bác sĩ Khanh tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Không phải trường hợp nào có u gan cũng cần sinh thiết. Trường hợp đặc điểm u trên hình ảnh điển hình của HCC (tăng sinh mạch máu mạnh ở pha động mạch và thải thuốc ở pha tĩnh mạch) có thể không cần sinh thiết.
Các chỉ số xét nghiệm máu tăng cao bất thường có thể gợi ý ung thư gan. Khi xét nghiệm chỉ dấu và trên hình ảnh cộng hưởng từ không có dấu hiệu điển hình, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết gan để xác định bản chất khối u, từ đó đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Khi sinh thiết gan, bác sĩ dùng bộ dụng cụ đặc biệt, đưa qua thành ngực vào trong gan, tiếp cận khối u, cắt một miếng nhỏ để xét nghiệm giải phẫu bệnh xác định tính chất tế bào.
Bố bạn cần điều trị để kiểm soát viêm gan virus B, tránh nguy cơ tiến triển xơ gan và ung thư. Các phương pháp điều trị u gan từ 3 cm trở xuống hiệu quả như đốt sóng cao tần. Khi khối u trên 3 cm, bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp vi sóng microwave, nút mạch hoặc phẫu thuật.
Bố bạn nên chọn cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa, gan mật tụy để khám, chẩn đoán chính xác định và điều trị hiệu quả.
TS.BS Vũ Trường Khanh
Trưởng khoa Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |