Thùy Linh và người yêu bên nhau được khoảng một năm. Trong lần đi khám phụ khoa nghĩ do viêm nhiễm thông thường, Linh nhận được kết quả dương tính với HPV type 16 - chủng virus nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung.
Tìm hiểu về HPV, nỗi lo lớn nhất của Linh là mắc ung thư. Cô liên tục tìm kiếm cách đào thải virus tại nhà để thực hiện theo, từ đơn giản như xông lá trầu không ở vùng kín, ăn lá ngải cứu liên tục, uống nước ép dứa, gừng pha với muối, tập thể thao, ăn chay... đến những biện pháp tốn kém như mua một loại cao ở trên mạng có giá hơn 2 triệu/lọ để uống với hi vọng làm âm tính HPV. Qua ba tháng, khi kiểm tra định kỳ, Linh vẫn dương tính với virus.
![]() |
Việc uống nước ép dứa, gừng pha với chút muối chưa được chứng minh giúp đào thải HPV. Ảnh minh họa: Vecteezy |
Tương tự, chị Thu Hương (26 tuổi, ở Hà Nội) cũng xin các biện pháp tự đào thải HPV tại nhà từ nhóm chuyên bàn luận về HPV. Chị cho biết dương tính với HPV-12, đã hoãn kế hoạch mang thai để tập trung dự phòng HPV. Tuy nhiên, các cách chị áp dụng chưa được bác sĩ khuyến cáo, như: uống nước ép dứa, gừng pha muối liên tục trong 7 ngày sau đó nghỉ 7 ngày rồi bắt đầu lại, kéo dài hơn hai tháng.
Bác sĩ Lê Thị Gấm, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết các phương pháp trên chưa có cơ sở khoa học để khẳng định có thể loại trừ virus HPV. Những trường hợp sau khi áp dụng phương pháp dân gian, cơ thể không còn virus, thực tế mầm bệnh đã bị cơ thể đào thải thông qua cơ chế miễn dịch. Bên cạnh đó, việc lạm dụng các phương pháp dân gian có thể có những tác dụng phụ, gây chậm trễ việc theo dõi, điều trị bệnh.
Bác sĩ Gấm khuyến cáo người dương tính với HPV nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ (nếu có). Việc thực hiện lối sống lành mạnh quan trọng, song người dân không nên quá khắt khe. Người đã nhiễm HPV nên có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, tập thể thao đều đặn, tâm lý thoải mái và nên chung thủy với bạn đời.
![]() |
Bé gái tiêm vaccine HPV tại trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Hoàng Dương |
Hiện nay, tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa HPV hiệu quả. Việt Nam đã phê duyệt hai loại vaccine giúp phòng ngừa HPV, gồm: Gardasil phòng 4 type: 6, 11, 16, 18, chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ trong độ tuổi 9-26. Vaccine Gardasil 9, phòng ngừa 9 type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, chỉ định tiêm cho cả nam và nữ trong độ tuổi 9-45, hiệu quả bảo vệ đến trên 90%. Độ tuổi vàng nên đi tiêm ngừa HPV là từ 9-14, do khả năng nhiễm rất thấp.
Trẻ từ 9-14 tuổi cần tiêm ngừa hai mũi, cách nhau tối thiểu 6 tháng. Người từ 15-45 tuổi tiêm ba mũi trong vòng 6 tháng. Người quên lịch tiêm hoặc trễ lịch tiêm, không cần tiêm lại từ đầu mà tiêm tiếp theo liệu trình phù hợp.
Virus HPV có hơn 200 chủng, trong đó 14 chủng thuộc nhóm nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, dương vật và vùng hầu họng... Các chủng HPV nguy cơ cao bao gồm: 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66, 68.
Mầm bệnh có thể lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là người quan hệ tình dục với nhiều bạn tình. Virus này cũng có thể lây khi sử dụng chung khăn tắm, đồ lót của người mắc bệnh, và nếu mẹ nhiễm HPV cũng có thể lây truyền sang cho con qua đường hô hấp nếu bé được sinh qua ngã âm đạo.
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm HPV, ở những người có ít nhất một bạn tình khác giới, khả năng nhiễm HPV trong suốt cuộc đời trung bình khoảng 85%, còn ở nam giới con số này lên đến 91%. Trong phần lớn trường hợp, loại virus này có thể tự đào thải khỏi cơ thể sau 1-2 năm. Khoảng 20% virus không tự đào thải, gây nhiễm dai dẳng, làm biến đổi các tế bào dẫn đến các bệnh lý như sùi mào gà, ung thư cổ tử cung, âm đạo, hậu môn, dương vật, vòm họng...
Dương Anh