"Lúc vác bao lên rất nặng, tôi nghe một tiếng 'khục' từ thắt lưng sau đó đau dữ dội lan nhanh xuống hai chân, không thể đứng vững", ông Sơn nhớ lại.
ThS.BS Lê Văn Ngân, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ghi nhận ông Sơn bị mất cảm giác ở ngón chân trái, hạn chế vận động, yếu chi dưới và rối loạn tiểu tiện. Ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy khối thoát vị đĩa đệm chèn ép mạnh vào rễ thần kinh thắt lưng.
"Đây là trường hợp thoát vị đĩa đệm cấp nặng", bác sĩ Ngân nói, thêm rằng hậu quả nặng nề nhất là yếu liệt chi dưới, mất kiểm soát đại tiểu tiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và khả năng đi lại. Một số trường hợp không xử lý kịp thời có thể tiến triển thành hội chứng chùm đuôi ngựa, gây tàn phế suốt đời.
![]() |
Chụp MRI thoát vị đĩa đệm của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi lấy nhân đĩa đệm thoát vị cho ông Sơn. So với mổ hở truyền thống, phương pháp này ít xâm lấn, giảm mất máu, hạn chế tổn thương mô mềm xung quanh. Thời gian nằm viện ngắn, người bệnh có thể sớm vận động, giảm nguy cơ viêm dính sau mổ. Với những ca thoát vị cấp có chèn ép rễ thần kinh rõ rệt, kỹ thuật nội soi giúp xử lý triệt để khối thoát vị đồng thời bảo tồn cấu trúc cột sống.
Dưới sự hỗ trợ của hệ thống nội soi phóng đại trường mổ, bác sĩ quan sát toàn bộ tổn thương. Qua một vết mổ nhỏ vùng thắt lưng, bác sĩ tiếp cận đúng vị trí tổn thương, lấy ra khối nhân thoát vị đĩa đệm, giải phóng rễ thần kinh bị chèn ép. Hệ thống theo dõi điện sinh lý thần kinh (IOM) hỗ trợ người bệnh tránh các biến chứng thần kinh trong phẫu thuật, bảo tồn tối đa cấu trúc thần kinh.
Sau mổ ba tiếng, ông Sơn tỉnh táo, các triệu chứng đau lưng, tê bì chân... cải thiện. Bác sĩ phục hồi chức năng hướng dẫn ông các bài tập ngay tại giường để đẩy nhanh quá trình hồi phục. Ông xuất viện sau một tuần phẫu thuật, có thể vận động và sinh hoạt cá nhân tốt.
![]() |
Ông Sơn tập đi lại sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Thoát vị đĩa đệm cấp là tình trạng nhân nhầy trong đĩa đệm thoát ra khỏi bao xơ đột ngột, gây chèn ép mạnh vào các rễ thần kinh xung quanh. Đây là biến thể nghiêm trọng của thoát vị đĩa đệm, thường xảy ra sau chấn thương mạnh hoặc hoạt động quá sức như bê vác vật nặng sai tư thế. Biểu hiện lâm sàng thường khởi phát đột ngột, đau dữ dội vùng thắt lưng hoặc cổ, kèm triệu chứng thần kinh như tê bì, yếu cơ, mất cảm giác vùng chi dưới.
Theo bác sĩ Ngân, thoát vị đĩa đệm cấp có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng nguy cơ cao hơn ở người trên 40 tuổi - khi cột sống bắt đầu có dấu hiệu lão hóa; người lao động tay chân nặng như bốc vác, khuân vác hàng hóa thường xuyên. Người có bệnh lý cột sống như thoái hóa đốt sống, loãng xương, thoát vị đĩa đệm mạn tính và người ít vận động nhưng đột ngột bê vác vật nặng sai tư thế cũng dễ bị thoát vị đĩa đệm cấp. Bác sĩ Ngân khuyến cáo những người này nên tầm soát sức khỏe cột sống định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu thoái hóa hoặc tổn thương đĩa đệm, từ đó can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nghiêm trọng.
Để phòng tránh nguy cơ thoát vị đĩa đệm khi lao động, mọi người nên mang vác vật nặng phù hợp với trọng lượng cơ thể, nâng nhấc đúng cách, khởi động trước khi nâng vật nặng. Thay vì cúi gập lưng, hãy hạ người bằng cách gập gối, giữ thẳng lưng và dùng lực từ chân để nâng đồ, chia nhỏ khối lượng để vận chuyển. Người làm việc với vật nặng thường xuyên có thể sử dụng đai hỗ trợ cột sống để giảm áp lực lên thắt lưng. Nghỉ ngơi giữa các lần nếu phải mang vác nhiều vật. Tuyệt đối không xoay vặn người đột ngột khi đang giữ vật nặng trên tay vì động tác này có thể làm tăng nguy cơ rách bao xơ, dẫn đến thoát vị cấp. Khi có dấu hiệu đau lưng kéo dài, lan xuống chân, kèm tê yếu hoặc rối loạn đại tiểu tiện, người bệnh nên đi khám sớm.
Linh Đặng
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |