Bé khởi phát đau bụng, sốt từ tháng 1, bác sĩ bệnh viện địa phương phát hiện tụ dịch quanh lách. Bé từng va chạm mạnh trong lúc đi bơi, do đó bác sĩ nghi ngờ chấn thương lách và điều trị bảo tồn. Về quê ăn Tết, bé đến một bệnh viện khác khám, siêu âm cho thấy vẫn còn dịch quanh lách, tiếp tục uống thuốc và theo dõi tại nhà.
Hơn 10 ngày trước, bé sốt cao trở lại, đau bụng dữ dội, cấp cứu tại bệnh viện gần nhà. Nghi ngờ nhiễm khuẩn, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2, siêu âm phát hiện một dị vật hình nhọn dài khoảng 7 cm trong bụng.
Ngày 24/5, BS.CK2 Bùi Hải Trung, Phó Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết mổ nội soi cấp cứu gắp ra dị vật là cây tăm xỉa răng. Người nhà sửng sốt, kể bé có thói quen ăn uống vội vàng và không nhai kỹ, khả năng đã nuốt phải tăm mà không hay biết.
"Cây tăm xuyên thủng đoạn cuối tá tràng gây viêm kéo dài và tụ dịch khoang lách - thận cùng cực dưới lách, dẫn đến đau bụng và sốt tái phát nhiều tháng", bác sĩ nói. Sức khỏe bé hồi phục tốt sau mổ, hết sốt, không còn đau bụng.
![]() |
Hình ảnh tăm xỉa răng trên siêu âm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Theo bác sĩ Trung, nuốt dị vật là tai nạn có thể rất nguy hiểm, đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi. Phần lớn trường hợp không gây hậu quả nghiêm trọng, tỷ lệ nhỏ gặp biến chứng nặng như tắc nghẽn, thủng đường tiêu hóa hoặc nhiễm trùng.
Ở trẻ lớn và thanh thiếu niên, một loại dị vật nguy hiểm thường bị bỏ qua là cây tăm xỉa răng. Tăm là vật sắc nhọn, nhỏ gọn, thường được sử dụng sau bữa ăn và đôi khi bị trẻ ngậm trong miệng như một thói quen hoặc hành vi vô thức. Bệnh viện ghi nhận một số trường hợp trẻ em, thanh thiếu niên vô tình nuốt phải tăm trong lúc nói chuyện, cười hoặc chơi đùa.
Do cấu trúc dài, cứng và nhọn, tăm có thể găm vào niêm mạc thực quản, gây viêm, nhiễm trùng hoặc thủng thành thực quản, trung thất hoặc các cơ quan lân cận như khí quản, mạch máu lớn, thậm chí dẫn đến áp xe trung thất, viêm phúc mạc hoặc xuất huyết tiêu hóa. Dị vật cũng có thể gây thủng dạ dày hoặc ruột, với biểu hiện là trẻ bị sốt và đau bụng.
Tăm gỗ thường không cản quang, nên khó phát hiện trên X-quang, dễ gây chẩn đoán muộn hoặc bỏ sót. Triệu chứng ban đầu có thể mơ hồ hoặc không rõ ràng, khiến người nhà và cả nhân viên y tế dễ bỏ qua.
Bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không cho trẻ ngậm tăm, kể cả sau bữa ăn. Hướng dẫn trẻ thói quen vệ sinh răng miệng bằng chỉ nha khoa hoặc bàn chải thay vì dùng tăm. Tăm sau khi dùng cần được vứt vào thùng rác có nắp đậy, tránh để trẻ dễ dàng lấy được.
Giáo dục giúp trẻ nhận thức được nguy hiểm tiềm ẩn của việc ngậm tăm. Nếu nghi ngờ trẻ nuốt phải tăm, dù không có triệu chứng rõ ràng, cần đưa đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan... càng sớm càng tốt.
Lê Phương