ThS.BS.CKI Võ Đình Bảo Văn, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết do sấy nóng lâu và nhiệt độ cao nên chân bà Tiến bỏng nặng, tổn thương dẫn đến nhiễm trùng, lở loét diện rộng, phần mô ở các ngón chân bị hoại tử sâu đến xương. Hai ngón áp út ở bàn chân trái gần như không còn.
Theo bác sĩ Văn, biến chứng thần kinh tiểu đường thường khiến cho người bệnh khó chịu với cảm giác tê bì, châm chích như kiến bò nhưng mất cảm giác đau, nóng - lạnh, bỏng rát. Thuốc điều trị tiểu đường chỉ làm giảm triệu chứng chứ không hết khó chịu nên người bệnh thường tìm đến các phương pháp truyền miệng như sấy nóng, chiếu đèn, ngâm chân nước nóng, thoa dầu nóng, đắp lá hoặc chích máu (cắt lể). Điều này dễ dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng nặng, hoại tử.
Bà Tiến được điều trị nhiễm trùng, truyền máu, kiểm soát đường huyết, huyết áp kết hợp phẫu thuật cắt bỏ các phần mô hoại tử, cắt bỏ 4 ngón chỉ giữ lại ngón chân cái. Nhờ chăm sóc vết thương tốt, kiểm soát nhiễm trùng không lan rộng nên bà Tiến bảo tồn được bàn chân, không phải tháo khớp hay cắt cụt.
![]() |
Bác sĩ Văn chăm sóc vết thương, thay băng cho bà Tiến. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Biến chứng bàn chân tiểu đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian mắc bệnh, chế độ ăn uống kiểm soát đường huyết, tuân thủ điều trị, chế độ chăm sóc tổn thương ở giai đoạn sớm. Để phòng ngừa, bác sĩ Văn lưu ý người bệnh nên quan sát bàn chân hàng ngày, không ngâm chân nước nóng, lau khô bàn chân và kẽ ngón chân sau khi tắm, cắt ngắn móng chân nhưng không nên lấy khóe. Hạn chế đi chân đất, nên mang giày dép có quai, phù hợp với kích thước.
Bạch Dương
20h ngày 22/7, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề: "Phát hiện sớm biến chứng bàn chân đái tháo đường, phòng ngừa nguy hiểm đoạn chi". Các bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường của bệnh viện tham gia tư vấn gồm BSCKI Đỗ Tiến Vũ, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Trúc, ThS.BS Nguyễn Thị Kim Tuyền. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây |