Những vụ bê bối này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người tiêu dùng, tạo ra mối lo ngại lớn về sự quản lý và kiểm tra chất lượng thực phẩm. Dư luận đã yêu cầu các chính phủ và cơ quan chức năng siết chặt hơn các quy định về an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Sữa bột nhiễm melamine - thảm họa an toàn thực phẩm ở Trung Quốc
Năm 2008, giới chức phanh phui vụ bê bối sữa bột nhiễm melamine do tập đoàn Sanlu sản xuất, ảnh hưởng đến 300.000 trẻ em. Hàng loạt trẻ bị sỏi thận, trong đó ít nhất 6 trẻ đã thiệt mạng.
Melamine là hóa chất được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Hóa chất này chứa nitrogen, khi được thêm vào sữa, nó làm tăng chỉ số protein, khiến sản phẩm trông như có giá trị dinh dưỡng cao hơn thực tế. Tuy nhiên, melamine rất độc hại đối với con người, đặc biệt là trẻ em, vì có thể gây sỏi thận, suy thận cấp và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Trong vụ bê bối sữa Sanlu, hóa chất này đã được pha trộn vào sữa bột với mục đích gian lận và tăng lợi nhuận, gây ra một cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm nghiêm trọng.
Cuộc điều tra sau đó đã chỉ ra rằng Sanlu biết rõ sự việc nhưng che giấu, trì hoãn báo cáo cho chính quyền. Giám đốc Sanlu bị tuyên án chung thân, hai người khác bị xử tử hình. Vụ việc đã dấy lên làn sóng tẩy chay sữa nội địa một thời gian. Sau vụ melamine, Trung Quốc đã ban hành luật an toàn thực phẩm khắt khe, tăng hình phạt với gian lận sữa (kể cả án tử hình).
![]() |
Sữa bột Sanlu bị tiêu hủy tại một nhà máy thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, tháng 10/2008. Ảnh: AP |
Sữa Morinaga Nhật Bản nhiễm arsenic – nỗi ám ảnh nhiều thập kỷ
Từ tháng 6/1955, nhiều trẻ em Nhật Bản xuất hiện triệu chứng ngộ độc do sử dụng sữa bột của Morinaga – một thương hiệu lớn lúc bấy giờ. Sau điều tra, chính quyền xác nhận hơn 13.000 trẻ bị nhiễm arsenic – chất độc nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Nguyên nhân chính được xác định là do quy trình sản xuất sữa của Morinaga không kiểm soát tốt, khiến arsenic tồn dư trong sữa bột.
Sự việc gây ra cái chết cho nhiều trẻ, đồng thời để lại hậu quả lâu dài cho những người sống sót, gồm các vấn đề về phát triển trí tuệ, thần kinh, khả năng học tập. Nhiều trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi hoàn toàn. Vụ bê bối làm dấy lên lo ngại về chất lượng thực phẩm và an toàn thực phẩm tại Nhật Bản trong suốt nhiều năm sau đó.
Cuối cùng, Morinaga đối mặt với các vụ kiện lớn. Chính quyền Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp khắt khe hơn đối với các quy định sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, hậu quả của vụ việc này vẫn là một trong những thảm họa an toàn thực phẩm nghiêm trọng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Mãi đến thập niên 2000, nhiều nạn nhân mới được bồi thường.
Pha chế sữa giả từ sữa tắm, sơn và hương liệu
Tháng 7/2019, lực lượng đặc nhiệm bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, đã triệt phá ba nhà máy sản xuất sữa giả quy mô lớn. Nhóm này pha chế sữa bằng cách trộn nước, dầu ăn, sữa tắm, sơn trắng, chất tẩy rửa và hương liệu. Sản phẩm sau đó được phân phối rộng rãi đến Delhi, Bhopal.
Theo Times of India, nhà chức trách đánh giá quy mô hoạt động tinh vi và nguy hiểm, do sữa giả không chỉ mất an toàn mà còn có nguy cơ độc tố cao. 57 đối tượng bị bắt giữ ngay sau đó.
Vạch trần 20 năm bán sữa giả chứa kali hydroxit tại Ấn Độ
Tháng 1/2025, cơ quan công an bang Uttar Pradesh đã phát hiện một vụ sản xuất sữa giả quy mô lớn, bắt giữ một doanh nhân làm giả 500 l sữa chỉ trong một ngày. Người này dùng kali hydroxit, loại hóa chất cực kỳ nguy hiểm, để pha trộn vào sản phẩm, nhằm giảm chi phí sản xuất. Kali hydroxit, hay còn gọi là caustic potash, là một chất ăn mòn mạnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa và thận khi vào cơ thể con người.
Thực tế, người này đã duy trì hoạt động sản xuất sữa giả trong suốt 20 năm, lừa dối hàng nghìn người tiêu dùng về chất lượng và an toàn của sản phẩm. Vụ việc này chỉ được phanh phui khi lực lượng chức năng phát hiện cơ sở sản xuất ở khu vực ngoại ô của một thành phố lớn, nơi nhiều thiết bị chế biến và các hóa chất độc hại như kali hydroxit đã được thu giữ.
Cảnh sát Ấn Độ cho rằng vụ bê bối này là một ví dụ rõ ràng về việc đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng. Hơn 20 đối tượng liên quan đã bị bắt giữ. Cơ quan chức năng đã cảnh báo công chúng về các dấu hiệu nhận diện sữa giả. Đặc biệt, họ khuyến cáo người tiêu dùng nên chú ý đến màu sắc và mùi của sữa, vì sữa giả thường có mùi hôi hoặc không có màu trắng tự nhiên của sữa thật.
Công ty Mỹ quảng cáo sai sự thật về hàm lượng hạnh nhân trong sữa thực vật
Năm 2015, công ty Blue Diamond Growers, một trong những nhà sản xuất sữa hạnh nhân lớn nhất tại Mỹ, vướng phải một vụ kiện do quảng cáo sai sự thật. Sản phẩm sữa hạnh nhân của họ, Almond Breeze, được tiếp thị với thông điệp hấp dẫn rằng "làm từ hạnh nhân thật". Tuy nhiên, khi các tổ chức tiêu dùng và nhà phân tích thực phẩm kiểm tra, họ phát hiện sản phẩm này chỉ chứa khoảng 2% hạnh nhân, phần còn lại chủ yếu là nước, phụ gia và các thành phần khác như đường, chất bảo quản.
Vụ kiện đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ người tiêu dùng, khi nhiều người cảm thấy bị lừa dối về giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Sự kiện này ảnh hưởng đến danh tiếng của Blue Diamond và còn gây xáo trộn trong ngành công nghiệp sữa thực vật tại Mỹ.
Công ty sau đó đã phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện từ người tiêu dùng và chịu một khoản đền bù lớn. Vụ việc cũng tạo ra làn sóng lớn, yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra lại các tuyên bố về thành phần thực phẩm, đặc biệt là với các sản phẩm thực phẩm tự xưng là "đến từ thiên nhiên".
Thục Linh (Theo Reuters, BBC News, Times of India, Japan Times)