Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng hành kinh đến sớm hoặc muộn, thậm chí vô kinh. Thông thường chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, nhiều trường hợp có thể ngắn hơn 24 ngày hoặc dài đến khoảng 38 ngày. Thời gian hành kinh kéo dài khoảng 3-5 ngày tùy mỗi người.
Khi rối loạn kinh nguyệt, phụ nữ có số ngày hành kinh ít hơn 2 ngày hoặc nhiều hơn 7 ngày, lượng máu quá ít hoặc quá nhiều, thay đổi màu sắc. Phái đẹp thường đau lưng, mệt mỏi, xuất hiện thêm biểu hiện ở đường tiêu hóa như nôn, buồn nôn.
Bác sĩ Hoàng Tiến Lên, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt có thể do nội tiết tố trong cơ thể bị ảnh hưởng. Tình trạng này cũng có thể do một số bệnh lý dưới đây gây ra.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Đây là tình trạng rối loạn nội tiết phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh khiến buồng trứng phát triển nhiều nang nhỏ nhưng không rụng trứng đúng chu kỳ, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, lượng máu trong mỗi kỳ kinh có thể nhiều hơn bình thường hoặc vô kinh. PCOS còn làm tăng nồng độ nội tiết tố nam, khiến nữ giới tăng cân, nổi mụn trứng cá, mọc lông nhiều, tâm trạng thay đổi thất thường. Hội chứng này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, có nguy cơ dẫn đến bệnh rối loạn chuyển hóa (tiểu đường, tăng huyết áp, đột quỵ...), hội chứng ngưng thở khi ngủ, ung thư nội mạc tử cung.
Điều trị hội chứng này thường là điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thay đổi lối sống gồm giảm cân, ăn kiêng, tập thể dục. Một số phụ nữ cần sử dụng thuốc, can thiệp phẫu thuật nội soi buồng trứng hoặc thụ tinh ống nghiệm để mang thai.
Suy buồng trứng sớm
Tình trạng xảy ra khi buồng trứng ngừng hoạt động trước tuổi 40, làm suy giảm nội tiết tố estrogen. Điều này khiến kinh nguyệt thưa dần hoặc ngừng hẳn, kèm theo các triệu chứng của mãn kinh sớm như bốc hỏa, giảm trí nhớ, mất ngủ, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục. Nồng độ estrogen giảm còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như lo âu, khô mắt, bệnh tuyến giáp, loãng xương, tim mạch, vô sinh...
Hiện chưa có phương pháp điều trị giúp cải thiện tình trạng suy buồng trứng sớm. Các phương pháp hỗ trợ sinh sản như kích thích buồng trứng, trữ đông mô buồng trứng, noãn, phôi... có thể giúp nữ giới mang thai, bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai.
Rối loạn tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến nội tiết đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa hormone của cơ thể. Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) hoặc quá mức (cường giáp) ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi chất của cơ thể và rối loạn các hormone khác, bao gồm cả hormone sinh sản. Suy giáp khiến kinh nguyệt kéo dài và ra nhiều máu, trong khi cường giáp có thể làm cho kỳ kinh ngắn lại và ít đi. Rối loạn tuyến giáp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể tử vong nếu không kịp thời phát hiện và điều trị.
Bất thường tại buồng tử cung
Những bất thường trong tử cung như khối u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, polyp tử cung... đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Các bệnh lý này có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều, đau bụng kinh dữ dội hoặc chảy máu giữa các kỳ kinh. Theo bác sĩ Tiến Lên, bệnh thường khó chẩn đoán, phương pháp điều trị tùy vào vị trí, kích thước, số lượng khối u và mong muốn mang thai của người bệnh. Siêu âm bơm nước, nội soi buồng tử cung... có thể giúp phát hiện sớm, chính xác các bất thường này.
![]() |
Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Viêm phụ khoa
Viêm âm đạo, viêm cổ tử cung hoặc viêm vùng chậu do nhiễm trùng vi khuẩn, virus hoặc nấm có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Viêm kéo dài khiến lớp niêm mạc tử cung dày lên. Khi đến chu kỳ kinh nguyệt, quá trình bong lớp niêm mạc bị ảnh hưởng. Nữ giới mắc bệnh thường có kỳ kinh không đều, ra máu giữa chu kỳ hoặc sau khi quan hệ tình dục với lượng nhiều hơn so với bình thường, kèm theo đau bụng dữ dội. Một số chị em có thể vô kinh.
Viêm nhiễm phụ khoa không chỉ tạo cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt vợ chồng, tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn. Điều trị tùy thuộc tình trạng bệnh, phụ nữ có thể dùng thuốc hoặc đôi khi cần phải phẫu thuật.
Bệnh mạn tính
Nữ giới mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh gan, thận có thể ảnh hưởng đến cân bằng hormone trong cơ thể, từ đó gây rối loạn kinh nguyệt. Kiểm soát tốt các bệnh lý nền giúp cải thiện tình trạng này.
Ung thư
Trong một số trường hợp, rối loạn kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của ung thư tử cung hoặc ung thư cổ tử cung. Do ung thư gây rối loạn và mất cân bằng hàng loạt các hormone liên quan đến chu kỳ kinh, khiến thời gian rụng trứng bất thường. Nữ giới bị chậm kinh hoặc kỳ kinh kéo dài. Giai đoạn nặng có thể chảy máu bất thường, màu máu chuyển đen, nhất là sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi khám phụ khoa.
Tùy theo từng giai đoạn, bác sĩ có phác đồ điều trị khác nhau, có thể là phẫu thuật đơn thuần hoặc xạ trị hoặc kết hợp giữa phẫu thuật - hóa trị - xạ trị.
Bệnh tâm lý
Căng thẳng tâm lý không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng tình trạng này kéo dài có thể gây ra các rối loạn ăn uống, ảnh hưởng đến nội tiết tố, dẫn đến thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.
Bác sĩ Tiến Lên khuyến cáo nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt kéo dài hoặc đi kèm triệu chứng bất thường như đau bụng dữ dội, phụ nữ nên đi khám sớm. Bác sĩ xem xét bệnh sử, khám lâm sàng và các chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để tìm nguyên nhân, từ đó đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị phù hợp.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, phụ nữ nên xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khoa học, tập luyện thể thao điều độ. Phái đẹp vệ sinh vùng kín sạch sẽ, quan hệ tình dục an toàn, tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc tránh thai hoặc biện pháp tránh thai an toàn, khám sức khỏe phụ khoa định kỳ.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |