Ngày 25/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nói như trên, thêm rằng số ca tăng gấp 6 lần so với tuần trước (23 ca). Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 192 ca, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2024.
Một số bệnh viện cũng ghi nhận số ca Covid-19 tăng. Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, từ đầu tháng 5, khoảng 140 trường hợp đến khám và điều trị Covid-19. Trong hai tuần đầu tháng, có 63 ca. Riêng 4 ngày gần đây, hơn 70 trường hợp đến khám. Trong số 46 trẻ phải nhập viện, phần lớn bị viêm phổi.
Các bệnh viện khác như Thanh Nhàn, Hà Đông, Đống Đa xuất hiện rải rác bệnh nhân Covid-19. Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết các ca nhập viện chủ yếu là người có bệnh nền hoặc cao tuổi. Trong số 8 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, 5 người bị suy thận mạn tính và phải lọc máu định kỳ.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 640 ca Covid-19 tại 39 tỉnh, thành, không có trường hợp tử vong. Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Quảng Ninh là địa phương có số ca mắc cao. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca giảm 83%, nhưng những tuần gần đây ghi nhận xu hướng tăng nhẹ.
Còn TP HCM lần đầu phát hiện biến chủng mới NB.1.8.1 của Covid-19. Tính đến ngày 22/5, chủng này đã được phát hiện tại 22 quốc gia trên thế giới. Hiện chưa có bằng chứng khoa học chứng minh mức độ lây lan hoặc gây bệnh nặng của biến chủng này.
Hôm qua, Bộ Y tế đã cảnh báo dịch khi ghi nhận Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng đang có xu hướng tăng. Nguyên nhân thời tiết chuyển mùa, không khí ẩm, nóng lạnh thất thường tạo điều kiện virus, vi khuẩn bùng phát, mang tính quy luật hàng năm. Đặc biệt, cao điểm du lịch hè sắp tới với nhu cầu di chuyển cao của người dân sẽ làm tăng nguy cơ lây lan.
Trong bối cảnh này, Bộ yêu cầu các cơ sở y tế cần tổ chức tiếp nhận, điều trị, hạn chế tối đa tử vong; đảm bảo tư vấn, cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời cho bệnh nhân. Đồng thời, xây dựng phương án phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới để tránh quá tải.
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc men, vật tư, thiết bị phục vụ phòng chống dịch, nhất là tại những nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Bố trí đội cơ động tại các điểm nóng, sẵn sàng xử lý khi dịch xuất hiện.
![]() |
Khu vực cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Để chủ động phòng ngừa, giới chức khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang tại nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông, cơ sở y tế; hạn chế tụ tập đông người nếu không cần thiết; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; chú trọng tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, duy trì dinh dưỡng đầy đủ.
Người có biểu hiện sốt, ho, khó thở cần đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, theo dõi kịp thời. Các trường hợp trở về từ vùng dịch cũng nên chủ động theo dõi sức khỏe nhằm bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 11,6 triệu ca, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 43.000 người đã tử vong do bệnh này, tỷ lệ 0,4% tổng số ca nhiễm. Hồi tháng 10/2023, Chính phủ đưa Covid-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B thay vì nhóm A như trước, tức giảm cấp độ nguy hiểm và xem là bệnh thông thường như cúm.
Lê Nga