"Bé sinh cực non liên tiếp bị nhiễm trùng huyết do nấm, viêm phổi mạn, nhiễm trùng huyết do tụ cầu, đã hồi phục ngoạn mục sau hơn 7 tháng", TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói hôm 26/5.
Mẹ bé, 36 tuổi, tháng 6 năm ngoái mang thai đến tuần 20 thì bị rỉ máu âm đạo, được đặt thuốc giữ thai. Đến tuần 28, xuất huyết nặng hơn kèm đau bụng, chị vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu, truyền thuốc giảm co tử cung nhưng không đáp ứng. Chị được tiêm đủ hai liều trưởng thành phổi thai, sinh thường bé Sol ở tuần 29.
Bé chào đời tháng 9, nặng hơn 1,2 kg, suy hô hấp. Các bác sĩ áp dụng "phác đồ giờ vàng" ổn định thân nhiệt bé bằng túi bọc giữ nhiệt chuyên dụng, thở máy không xâm lấn, chuyển đến Trung tâm Sơ sinh chăm sóc đặc biệt (NICU). Bé được bơm surfactant giúp phổi nở và trao đổi khí tốt, nuôi ăn đường tĩnh mạch hai tuần rồi chuyển sang ăn sữa hoàn toàn.
Tình trạng ban đầu của bé diễn tiến khá thuận lợi, song khoảng 20 ngày sau sinh bé đột ngột có cơn ngưng thở, da tím tái, theo BS.CKI Nguyễn Thị Anh Thư, Trung tâm Sơ sinh. Các bác sĩ lập tức hỗ trợ hô hấp cho bé, đổi thuốc kháng sinh, kết quả chọc dò tủy sống và các xét nghiệm khác chẩn đoán viêm màng não, diễn tiến áp xe não, nhiễm trùng huyết do nấm.
"Lúc ấy bé có nguy cơ tử vong cao, nếu vượt qua giai đoạn nguy hiểm vẫn có thể để lại di chứng về não", bác sĩ Thư nói. Bé Sol được chuyển vào phòng cách ly, thở máy không xâm lấn, điều trị kháng nấm khoảng 90 ngày. Thỉnh thoảng, mẹ bé được vào ấp da kề da với con để ổn định nhịp tim, nhịp thở, giảm căng thẳng và đau đớn cho bé. Sau đợt điều trị nấm, bé bị sốt, nhiễm trùng huyết trở lại, nhiều cơn tím tái, suy hô hấp nặng hơn do viêm phổi. Êkíp điều trị đặt nội khí quản - thở máy thông số cao, sử dụng kháng sinh kèm thuốc an thần do bé có phản ứng chống máy.
28 Tết, bác sĩ quyết định đặt đường truyền trung tâm ở thái dương, tay và chân của bé để truyền dịch. Bác sĩ Thư cho biết thở máy kéo dài, viêm phổi tái phát nhiều lần khiến phổi của bé bị tổn thương, xơ hóa dẫn đến bệnh phổi mạn kèm cao áp phổi. Sau khi êkíp thay đổi chế độ máy thở cùng phác đồ điều trị nhưng bé không đáp ứng, nguy cơ tử vong hơn 90%.
"Hôm đó là chiều mùng 3 Tết, tôi chết lặng khi nghe tin con nguy kịch", ba bé Sol nhớ lại. Bác sĩ Phượng cùng êkíp hội chẩn với bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chuẩn bị mổ mở khí quản để hỗ trợ thở cho bệnh nhi. Trước ngày phẫu thuật, các thông số thở của bé cải thiện, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) duy trì ổn định.
![]() |
Bác sĩ Phượng (ngoài cùng bên phải) cùng điều dưỡng hỗ trợ ba bé tập bú cho Sol. Ảnh: Gia đình bệnh nhi cung cấp |
Đầu tháng 3, bé được rút ống nội khí quản, thở máy không xâm lấn, sau đó cai máy và thở qua dây oxy, chuyển về phòng kangaroo. Ba ngày sau, bé trở nặng vì nhiễm trùng huyết do tụ cầu, được chuyển lại vào NICU, tiếp tục thở máy.
Kết quả xét nghiệm di truyền xác định bé mang gene suy giảm miễn dịch. "Đây là nguyên nhân khiến bé bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần dù đang điều trị tích cực", bác sĩ Phượng nói, thêm rằng sinh non cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Êkíp đặt chế độ cảnh báo tình trạng nhiễm khuẩn cao, tiếp tục theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn, chỉ số xét nghiệm để can thiệp kịp thời. Bé bị tiêu chảy do dị ứng sữa mẹ, được nuôi ăn bằng sữa thủy phân hoàn toàn đến khi ổn định thì chuyển sang sữa công thức cho trẻ sinh non.
Sau hai tuần đáp ứng phác đồ điều trị, bé Sol có thể thở oxy, tập thở và bú, ăn dặm và tập vật lý trị liệu. Đầu tháng 5, các chỉ số ổn định, bé được xuất viện với cân nặng 5,6 kg, cần tái khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra các mốc vận động, sự phát triển trí não.
Ngọc Châu
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |