Buổi hội thảo diễn ra trong hai ngày 29-30/3 với chủ đề "Thiết lập cá thể hóa điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư đầu cổ giai đoạn tiến xa với liệu pháp miễn dịch". Các chuyên gia tham dự trình bày những bài tham luận chuyên sâu, nhằm cập nhật kiến thức và hỗ trợ bác sĩ ứng dụng vào thực tiễn điều trị.
![]() |
Buổi hội thảo thu hút nhiều chuyên gia về ung thư và miễn dịch học tham dự. Ảnh: Hương Lê |
Theo PGS.TS Đỗ Hùng Kiên, Phó giám đốc Bệnh viện K đồng thời chủ trì hội thảo, ung thư phổi và ung thư đầu cổ nằm trong nhóm các loại ung thư phổ biến, tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam. Phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều thách thức. Do đó, việc thường xuyên cập nhật các tiến bộ trong điều trị sẽ hỗ trợ bác sĩ ứng dụng kiến thức mới, áp dụng vào phác đồ tại bệnh viện của mình, cho từng bệnh nhân khác nhau.
Tại hội thảo, bài tham luận "Cá thể hóa điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ như thế nào trong kỷ nguyên miễn dịch với liệu pháp miễn dịch" do PGS.TS. Surein Arulananda, Phó Giám đốc Trung tâm Nội khoa Ung thư và Trưởng bộ phận Thử nghiệm Lâm sàng Ung thư Lồng ngực, Viện Monash, Australia, được kỳ vọng hỗ trợ nâng cao kiến thức và xây dựng chiến lược điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Bài báo cáo nhấn mạnh vai trò của dấu ấn sinh học PD-L1 như một công cụ giúp xác định nhóm bệnh nhân phù hợp với liệu pháp miễn dịch, đồng thời làm rõ cách ứng dụng PD-L1 trong điều trị.
![]() |
Theo PGS.TS Đỗ Hùng Kiên, ung thư phổi và ung thư đầu cổ là hai trong nhiều loại ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam. Ảnh: Hương Lê |
TS.BS Phan Trọng Giáo, Giám đốc Y Khoa MSD Việt Nam, cho biết sự kiện là minh chứng cho cam kết bền vững của MSD trong việc đồng hành cùng các bệnh viện, nâng cao chất lượng điều trị và mở rộng cơ hội tiếp cận liệu pháp miễn dịch cho bệnh nhân ung thư.
Liệu pháp miễn dịch của MSD có mặt tại Việt Nam gần 8 năm. Bà Katharina Geppert, Tổng Giám đốc MSD Việt Nam, kỳ vọng bệnh nhân ung thư nhận được nhiều hỗ trợ hơn để có thêm thời gian sống bên người thân, gia đình.
![]() |
PGS.TS. BS Surein Arulananda, nhấn mạnh vai trò then chốt của dấu ấn sinh học PD-L1. Ảnh: Hương Lê |
Theo Globocan 2022, Việt Nam ghi nhận khoảng 24.000 ca ung thư phổi mới mỗi năm, trong đó khoảng 75% ca chẩn đoán ở giai đoạn không phẫu thuật được. Mỗi giờ có thêm ba người tử vong vì ung thư phổi. Còn ung thư đầu cổ có khoảng 8.000 ca tử vong mỗi năm.
Bên cạnh đó, tháng 4 tới là Tháng nhận thức về Ung thư đầu cổ, thời điểm để thiết lập chiến lược điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân, tận dụng những lợi ích liệu pháp miễn dịch mang lại. Những tiến bộ trong chẩn đoán, xét nghiệm dấu ấn sinh học và cá thể hóa phác đồ điều trị giúp cải thiện chất lượng sống và nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Văn Hà