PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khối u nghi ung thư nằm sát tĩnh mạch thận, là vị trí phức tạp, dễ chảy máu và tổn thương mô lành. Ông Trân mắc nhiều bệnh nền gồm tiểu đường, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, béo phì, từng phẫu thuật mổ u tuyến thượng thận trái và mở ổ bụng cắt polyp đại tràng khiến ổ bụng dính phức tạp. Ông còn bị dị dạng ruột xoay bất toàn, với toàn bộ ruột nằm phía trên gan thay vì nằm dưới và sau gan như bình thường, che phủ đến cơ hoành, gây khó tiếp cận khối u.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định cắt trọn u bằng robot Da Vinci Xi thế hệ mới nhằm bảo tồn tối đa chức năng thận và giảm sang chấn. Dị dạng ruột xoay bất toàn khiến êkíp không thể đẩy hết hệ thống ruột ra phía sau để tiếp cận thận theo đường phúc mạc, nên phải dùng các cánh tay robot tạo một khoang sau phúc mạc.
"Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải thao tác từ phía sau, còn u ở mặt trước", phó giáo sư Chuyên nói, thêm rằng hệ thống robot tự động căn chỉnh và đề xuất vị trí đặt cánh tay cho phù hợp, giảm nguy cơ tổn thương cho người bệnh.
![]() |
Phó giáo sư Chuyên (trái) ngồi ở buồng điều khiển robot Da Vinci Xi để phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Trên màn hình, khối u hiện rõ, bao quanh bởi mạch máu chằng chịt. Cánh tay robot số 3 tách mô, tay số 2 cầm camera, tay số 4 kéo vén, tay số 1 cắt và đốt mạch máu nhỏ. Khi cắt u, robot sử dụng dụng cụ hàn - cắt có thể xử lý mạch máu tới 7 mm. Phần rìa nhu mô sau khi cắt được đóng lại bằng stapler tự động - thiết bị có khả năng đo độ dày mô và điều chỉnh lực ép chính xác, tránh rò rỉ. Hệ thống dao điện tích hợp trên robot hỗ trợ cầm máu tại vùng sát cực dưới thận.
Sau một giờ, khối u được lấy ra trọn vẹn, ca mổ kết thúc, không có biến chứng. Người bệnh tỉnh lại vài giờ sau đó, hôm sau có thể ngồi dậy nói chuyện. Vết mổ nhỏ, chỉ bằng đầu ngón tay, không đau nhiều.
![]() |
BS.CKI Phan Huỳnh Tiến Đạt đến thăm ông Trân sau ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Theo Tổ chức ghi nhận Ung thư thế giới (Globocan), năm 2022 thế giới có gần 435.000 ca mắc mới ung thư thận. Tại Việt Nam, ghi nhận hơn 2.200 ca ung thư thận mắc mới trong năm 2022, hơn 1.100 ca tử vong.
Ở giai đoạn đầu, ung thư thận ít xuất hiện triệu chứng, thường phát hiện bệnh nhờ đi khám sức khỏe, siêu âm. Một số biểu hiện cảnh báo như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân nhanh, tăng huyết áp và đau nhức xương khi đã chuyển sang giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn. Do vậy, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến bệnh viện để được khám, phát hiện bệnh sớm.
Phó giáo sư Chuyên cho biết robot Da Vinci Xi được ứng dụng hỗ trợ điều trị ca bệnh phức tạp ở vùng mổ sâu, hẹp và khó tiếp cận. Trong lĩnh vực tiết niệu - thận học, robot này đặc biệt hiệu quả ở các phẫu thuật đòi hỏi chính xác cao như cắt u thận, cắt tuyến tiền liệt triệt để, tạo hình niệu quản, cắt và tái tạo bàng quang. Hệ thống cũng hỗ trợ tối ưu trong điều trị các bệnh phức tạp như ung thư thận, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang, treo bàng quang vào mỏm nhô...
Để thực hiện được các ca mổ với robot Da Vinci Xi, phẫu thuật viên cần đạt chứng chỉ TR100 do chính hãng sản xuất cấp. Sau khi có chứng chỉ, bác sĩ phải thực hiện tối thiểu 9 ca mổ trong 90 ngày đầu và duy trì số lượng bệnh nhân mỗi tháng để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Bác sĩ còn cần liên tục rèn luyện kỹ năng, học hỏi công nghệ mới nhằm tối ưu hiệu quả điều trị cho người bệnh, theo phó giáo sư Chuyên.
Hà Thanh
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |