Estrogen là một loại hormone sinh dục đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe sinh sản và sức khỏe tổng thể. Dù thường liên quan đến phụ nữ, estrogen cũng rất cần thiết với nam giới. Hormone này giúp phái mạnh duy trì mật độ xương và điều chỉnh tâm trạng, hỗ trợ sản xuất tinh trùng, ham muốn tình dục và kích thích tình dục.
Nam giới chủ yếu sản xuất estrogen ở tinh hoàn và có nhu cầu estrogen ít hơn nữ giới, nhưng vẫn cần cân bằng các hormone sinh sản, bao gồm estrogen, progesterone và testosterone, để có sức khỏe tối ưu. Khi nồng độ estrogen quá cao, chúng có thể phá vỡ sự cân bằng hormone của cơ thể và gây ra các vấn đề sức khỏe cho nam giới như da khô, mô vú to, rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục, thậm chí vô sinh.
Mức estrogen dao động tự nhiên qua các giai đoạn cuộc đời phụ nữ, bao gồm tuổi dậy thì, kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh. Ở nam giới, nồng độ estrogen vẫn ổn định sau tuổi dậy thì và có thể tăng chậm theo tuổi tác khi nồng độ testosterone giảm.
Nồng độ estrogen trong máu được đo bằng picogram trên mililit (pg/mL). Mức estrogen ở nam giới tuổi dậy thì là từ 0 đến 40 pg/ml, khi trưởng thành là 10-40 pg/ml. Một số yếu tố có thể góp phần làm tăng nồng độ estrogen quá mức này, bao gồm các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, thuốc và các yếu tố môi trường.
Béo phì: Lượng mỡ thừa trong cơ thể có thể dẫn đến nồng độ estrogen tăng lên, nhất là ở nam giới và phụ nữ sau mãn kinh, vì mô mỡ sản xuất ra một lượng nhỏ estrogen.
Thuốc: Thuốc tránh thai nội tiết tố, liệu pháp thay thế hormone, thuốc chống trầm cảm ba vòng và một số loại thuốc tim mạch có thể làm tăng estrogen.
Bệnh lý: Các tình trạng bệnh lý cản trở quá trình sản xuất hoặc cân bằng hormone bao gồm cường giáp, bệnh gan, khối u tinh hoàn và buồng trứng, bệnh tuyến thượng thận và hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Tiếp xúc với xenoestrogen: Các hóa chất bắt chước estrogen (xenoestrogen) trong nhựa, thuốc trừ sâu và một số mỹ phẩm có thể làm tăng mức estrogen theo thời gian.
![]() |
Tập thể dục thường xuyên để giảm mỡ cơ thể là một trong những cách giúp nam giới hạn chế tình trạng tăng estrogen do tuổi tác. Ảnh minh họa: Võ Thạnh |
Xét nghiệm estrogen thường bao gồm xét nghiệm máu để đo nồng độ estrogen và các hormone khác trong máu. Đôi khi, xét nghiệm nước tiểu và nước bọt cũng có thể được áp dụng.
Để điều trị tình trạng dư estrogen, bác sĩ xác định nguyên tiềm ẩn, từ đó có phương pháp điều trị nhằm khôi phục cân bằng nội tiết tố, giảm các triệu chứng liên quan. Người bệnh có thể được dùng các loại thuốc giúp cân bằng nồng độ estrogen và điều trị các tình trạng tiềm ẩn như vấn đề về tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận. Nếu do khối u ở tuyến thượng thận hoặc tinh hoàn, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật.
Nam giới có nồng độ estrogen cao nên thay đổi chế độ ăn uống. Hạn chế hoặc tránh rượu bởi thức uống này có thể gây hại cho gan và làm suy yếu quá trình chuyển hóa estrogen. Thực hiện chế độ ăn chống viêm giàu axit béo omega-3 (ví dụ cá, hạt lanh) và nêm thức ăn bằng nhiều gia vị chống viêm như gừng và nghệ. Ăn nhiều rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ, bắp cải và cải brussels. Tăng lượng chất xơ để tăng lượng estrogen mà cơ thể loại bỏ qua quá trình tiêu hóa. Thực phẩm từ đậu nành nguyên hạt cũng thúc đẩy quá trình chuyển hóa estrogen.
Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên để giảm mỡ cơ thể và kiểm soát căng thẳng có thể khôi phục mức estrogen bình thường và thúc đẩy cân bằng nội tiết tố. Tránh tiếp xúc với xenoestrogen có trong nhựa, một số loại mỹ phẩm và thuốc trừ sâu.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |