BS.CKII Ngô Trần Quang Minh, Giám đốc chuyên môn kiêm Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8, cho biết nấm phổi là tình trạng nấm xâm nhập vào mô phổi, gây tổn thương, viêm nhiễm và hoại tử. Tác nhân gây bệnh phổ biến là các loại nấm tồn tại trong môi trường như aspergillus, cryptococcus, histoplasma hoặc candida. Người khỏe mạnh ít khi mắc bệnh này. Người bị suy giảm miễn dịch như ung thư, đái tháo đường, ghép tạng, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticoid kéo dài có nguy cơ nhiễm nấm phổi cao hơn. Bệnh thường khởi phát âm thầm, triệu chứng như ho kéo dài, đờm, ho ra máu, sốt nhẹ, đau ngực, khó thở, sụt cân... dễ nhầm với viêm phổi thông thường dẫn đến điều trị trễ hoặc dùng sai thuốc.
Nấm phổi gồm nhiều thể khác nhau, tùy theo loại nấm và cơ địa của người bệnh. Trong đó, thể thường gặp là nấm aspergilloma phát triển trong hang lao cũ hoặc vùng phổi tổn thương, nặng có thể gây ho ra máu kéo dài. Thể xâm lấn cấp tính thường xảy ra ở người suy giảm miễn dịch nặng, tiến triển nhanh, gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Người có cơ địa dị ứng, hen suyễn có thể bị viêm phổi tăng bạch cầu ái toan do nấm, với triệu chứng ho khò khè kéo dài, dễ nhầm với cơn hen cấp.
![]() |
Bác sĩ Quang Minh tư vấn sức khỏe cho người đến khám. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Bác sĩ chẩn đoán nấm phổi bằng cách khai thác bệnh sử, nhất là ở người mắc bệnh nền, đang hóa trị, ghép tạng hoặc sống trong môi trường ẩm mốc. Bác sĩ có thể chỉ định thêm chụp X-quang, CT ngực, đo hô hấp ký, nội soi phế quản và vi sinh như xét nghiệm đờm, sinh thiết nếu nghi tổn thương sâu.
Điều trị nấm phổi cần dùng thuốc kháng nấm đường uống hoặc truyền tĩnh mạch, thời gian kéo dài từ vài tuần đến vài tháng tùy mức độ tổn thương và loại nấm. Điều trị nấm phổi không giống với viêm phổi do vi khuẩn. Do đó, người bệnh tự ý dùng kháng sinh thông thường không có tác dụng mà còn khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
Người bệnh có yếu tố nguy cơ cần lưu ý xuất hiện triệu chứng hô hấp kéo dài bất thường, đặc biệt sau đợt điều trị ung thư, hóa trị, dùng corticoid hoặc sau nhiễm virus nặng. Người từng được điều trị lao phổi, giãn phế quản hoặc có hang khí trong phổi, khả năng bị nấm xâm nhập vào vùng tổn thương cũ sẽ cao hơn người bình thường. Nấm phổi không điều trị kịp thời có thể gây xơ phổi, suy hô hấp mạn hoặc lan rộng ra ngoài phổi như viêm màng não, nhiễm nấm huyết.
Để phòng ngừa nấm phổi, bác sĩ Minh khuyến nghị mỗi người nên tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống khoa học, tập luyện thường xuyên và giữ không gian sống sạch sẽ, khô thoáng, tránh ẩm mốc. Nếu có triệu chứng hô hấp kéo dài, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà cần đến cơ sở y tế để được khám và tầm soát nấm phổi.
Trọng Nghĩa
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |