Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, thêm rằng thai phụ mắc cúm thường diễn tiến nặng hơn so với người bình thường, nguy cơ trở nặng cao gấp 3-4 lần. Lý do là thai phụ có sự thay đổi về nội tiết, hệ thống miễn dịch suy giảm, đặc biệt nhạy cảm với mầm bệnh trong đó có virus cúm.
"Virus cúm khiến thai phụ mệt mỏi, khó chịu, ho dữ dội, liên tục và kéo dài dẫn tới giảm oxy ảnh hưởng đến lượng cung cấp oxy cho thai nhi", bác sĩ Chính nói.
![]() |
Bác sĩ khoa Sản giải thích tình trạng bệnh cho một thai phụ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Với thai phụ, biến chứng thường gặp do cúm là viêm phổi, đặc biệt nguy hiểm ở ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ do có thể gây suy hô hấp, nguy cơ tử vong cao. Một số trường hợp cần can thiệp hỗ trợ hô hấp, trẻ chào đời non tháng.
Thai phụ mắc cúm, đặc biệt là trong vòng 13 tuần đầu, có nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Ngoài ra, sốt cao kết hợp với độc tính của virus cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.
Virus cúm cũng có thể kích hoạt phản ứng viêm cục bộ trong cơ thể, khiến hệ miễn dịch phản ứng quá mức và tấn công ngược lại cơ thể, gây ra biến chứng nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan.
Với thai nhi, virus cúm có thể gây dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh, khiếm khuyết về hình thể hoặc rối loạn tâm thần do tổn thương não. Một số tài liệu y khoa ghi nhận cúm có thể gây dị tật ống thần kinh, dẫn tới nứt đốt sống ảnh hưởng đến khả năng vận động; thai không có hộp sọ, thoát vị não và màng não ảnh hưởng tâm thần kinh.
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, xảy ra quanh năm, phổ biến nhiều hơn vào mùa đông xuân hoặc khi giao mùa. Các chủng virus gây bệnh phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
Triệu chứng bệnh cúm gồm sốt, đau đầu, ớn lạnh, khó chịu, tức ngực, ho dữ dội liên tục, đau cơ hoặc đau khắp cơ thể, kèm mệt mỏi, suy nhược... Thông thường, bệnh sẽ khỏi sau 2-7 ngày, song cúm ở phụ nữ mang thai thường kéo dài hơn, từ 1-2 tuần.
Thời gian qua, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ghi nhận nhiều thai phụ mắc cúm A trở nặng. Trong đó, một thai phụ 35 tuổi (ở Hải Dương) sảy thai đôi 21 tuần tuổi do mắc cúm A biến chứng sốc nhiễm khuẩn.
Theo bác sĩ Chính, thai phụ có thể mắc cúm ở mọi thời điểm trong năm, cao hơn khi thời tiết có yếu tố thuận lợi cho mầm bệnh phát triển như: giao mùa, thời tiết lạnh, độ ẩm tăng cao dễ làm virus phát triển sinh sôi... Virus cúm dễ lây nhiễm vào cơ thể, do đó bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên chủ động phòng bệnh, tránh mắc bệnh và trở nặng.
![]() |
Thai phụ tiêm vaccine cúm tại trung tâm VNVC Hoàng Văn Thụ, TP HCM. Ảnh: Hữu Thuận
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và chủ động. Hiện Việt Nam có bốn loại vaccine cúm của Hà Lan, Pháp, Hàn Quốc và Việt Nam. Vaccine giúp phòng các chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2 và dòng cúm B. Trong đó loại của Hà Lan, Pháp và Hàn Quốc dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Loại của Việt Nam hiện dành cho người từ 18 đến 60 tuổi.
Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và vào bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, tốt nhất từ 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con qua sữa mẹ trong những tháng đầu đời. Trong trường hợp có dịch, thai phụ có nguy cơ mắc cúm, có thể tiêm ở cả 3 tháng đầu thai kỳ.
Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm cúm cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn chỉ cần tiêm một mũi. Vaccine cần nhắc lại hằng năm để cập nhật chủng virus cúm đang lưu hành theo khuyến cáo của WHO và củng cố miễn dịch đã bị giảm theo thời gian sau lần tiêm trước đó.
Ngoài tiêm vaccine, thai phụ cần tránh tiếp xúc với người bệnh, mang khẩu trang khi ra đường, hạn chế đến nơi đông người, rửa tay thường xuyên. Chế độ ăn nên đảm bảo dinh dưỡng, uống đủ nước. Thời gian nghỉ ngơi cần hợp lý, tránh căng thẳng nhằm tăng sức đề kháng. Ngoài ra, thai phụ nên giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, thường xuyên vận động để nâng cao thể trạng.
Khi có triệu chứng nghi ngờ cúm, thai phụ nên đi khám sớm, tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, tránh chậm trễ điều trị khiến bệnh nặng hơn.
Linh San