Viêm loét dạ dày - tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến. Bệnh có thể gây rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu nặng, thậm chí dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, thủng dạ dày, hoặc hẹp môn vị.
Theo bác sĩ Cấn Thị Thu Hằng, Bệnh viện Bạch Mai, viêm loét dạ dày - tá tràng ảnh hưởng tới khoảng 4 triệu người mỗi năm trên thế giới. Ước tính, 5-10% dân số mắc bệnh này trong suốt cuộc đời. Các yếu tố nguy cơ bao gồm hút thuốc, uống rượu bia, chế độ ăn uống không hợp lý, căng thẳng, vi khuẩn, virus,...
Người bệnh thường gặp các triệu chứng như: đau, nóng rát vùng thượng vị, đầy hơi, ợ chua, buồn nôn, chán ăn, sợ ăn, sụt cân. Thách thức lớn nhất là làm sao để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa hỗ trợ chữa lành và phục hồi nhanh chóng.
Chế độ ăn cần đủ năng lượng, cân đối dưỡng chất, đặc biệt bổ sung vitamin (B12, A, D, K) và khoáng chất (axit folic, canxi, Fe, Zn, Mg).
Nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng là chế độ ăn giàu chất xơ, giúp giảm nồng độ axit mật trong dạ dày và rút ngắn thời gian vận chuyển ruột, từ đó giảm chướng bụng, khó chịu và đau.
![]() |
Ảnh minh hoạ viêm loét dạ dày. Ảnh:Adobe |
Các thực phẩm người bệnh nên dùng bao gồm: tinh bột (cơm, bánh mì, cháo, khoai củ nấu hoặc luộc chín kỹ), ưu tiên loại ít mùi vị và dễ tiêu; chất đạm (thịt lợn nạc, cá nạc) nên được luộc, hấp, kho để dễ hấp thu; rau củ đa dạng, đặc biệt các loại non và họ cải (bắp cải, củ cải, rau cải) vì chúng chứa nhiều vitamin hỗ trợ vết loét nhanh lành; chất béo từ dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu vừng, dầu hạt cải, dầu đậu nành.
Ngược lại, người bệnh cần hạn chế các loại thực phẩm như thịt chế biến sẵn (dăm bông, lạp xưởng, xúc xích); thực phẩm dai, cứng (thịt nhiều gân, sụn, rau nhiều xơ, quả xanh sống); gia vị và thực phẩm lên men (giấm, tỏi, tiêu, ớt, dưa cà muối, hành muối); quả chua hay chát (me, sấu, cóc, khế, mận, xoài xanh, ổi xanh, chuối xanh); đồ uống có gas, chè, cà phê đậm đặc. Đặc biệt, cần tuyệt đối tránh bia, rượu và thuốc lá.
Khi chế biến và ăn uống, cần lưu ý thức ăn nên được nấu mềm nhừ để dễ tiêu hóa và hấp thu; ăn ngay sau khi chế biến, ở nhiệt độ 40-50 độ C nhằm hạn chế kích thích dạ dày; chia nhỏ bữa ăn thành 4-6 bữa/ngày, tránh ăn quá no hoặc quá đói.
Ngoài ra, việc duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát căng thẳng, ăn uống sinh hoạt điều độ và vận động thể lực hợp lý cũng góp phần quan trọng vào quá trình hồi phục.
Lê Nga