Ngày 11/3, ThS.BS Lâm Thiên Kim, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là lần đầu tiên viện tiếp nhận trường hợp lồng ruột biến chứng nặng như bé Minh. Lồng ruột là bệnh cấp cứu ngoại nhi cần can thiệp trong vòng 6 tiếng. Bé Minh đi tiêu ra máu tức đã diễn tiến nặng, không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiễm trùng, nhiễm độc dẫn đến tử vong.
Bé Minh lơ mơ, mất nước nặng, được bác sĩ cấp cứu chăm sóc tích cực, truyền dịch bù nước, bù điện giải. Bác sĩ chụp X-quang bụng tại giường cho bé đánh giá tình trạng khối lồng để chọn lựa giữa hai phương pháp điều trị.
Lồng ruột thường được điều trị bằng phương pháp tháo lồng bằng hơi nhưng không áp dụng cho trẻ bị nhiễm trùng vùng bụng như bé Minh hoặc gặp các vấn đề khác. Tuy nhiên bé đang trong tình trạng khẩn cấp, khó gây mê để phẫu thuật mở bụng nên êkíp quyết định bơm hơi.
Sau một giờ bé có dấu hiệu hồi tỉnh, được bơm hơi tháo lồng. Bác sĩ Kim đặt ống thông trực tràng, gây mê và bơm hơi bằng máy cho bé để đẩy khối lồng thoát xuống dưới. Kết quả kiểm tra bằng máy C-Arm cho thấy khối lồng đã được tháo. Bệnh nhi được tiếp tục bù dịch và điện giải, đồng thời sử dụng kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, theo dõi tích cực; sau hai ngày rút nội khí quản. Kết quả siêu âm kiểm tra hết lồng ruột, bác sĩ tiếp tục điều trị cho bé bằng kháng sinh và xuất viện sau 7 ngày.
![]() |
Kết quả siêu âm cho thấy bé Minh có khối lồng ruột dài 40 mm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Lồng ruột là tình trạng một đoạn ruột trượt vào bên trong phần ruột bên cạnh và lồng vào nhau, thường xuất hiện ở ruột non và xảy ra phổ biến ở trẻ 13-24 tháng tuổi. Bệnh thường khởi phát sau khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc tiêu hóa như bé Minh. Ruột bất thường bẩm sinh, suy giảm hệ miễn dịch, xơ nang, ung bướu... cũng là nguyên nhân.
Triệu chứng của bệnh được chia thành ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu trẻ thường đau bụng, bỏ bú, khó chịu, nôn ói, ra mồ hôi, tím tái... Giai đoạn nghiêm trọng trẻ có phân màu nâu, lẫn chất nhầy hoặc máu tươi kèm tình trạng mất nước, mệt lả, mạch đập nhanh... Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn muộn như trường hợp bé Minh với biểu hiện nôn ói liên tục, bụng chướng dần lên, người nhợt nhạt, hôn mê, mất ý thức. Lúc này trẻ sẽ bị mất nước nghiêm trọng và có dấu hiệu sốc do nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
Lồng ruột có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, thủng ruột, hội chứng ruột ngắn, xuất huyết trong, thậm chí tử vong. Nếu trẻ được cấp cứu trước 48 giờ sẽ giảm nguy cơ khối lồng bị hoại tử.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, cho biết lồng ruột thường được phát hiện bằng siêu âm, can thiệp nhanh bằng phương pháp tháo lồng. Sau đó trẻ sẽ được theo dõi, xuất viện trong ngày, ít biến chứng. Tùy thể trạng của trẻ mà bệnh diễn tiến nhanh hay chậm. Trường hợp bé Minh bị giấu triệu chứng do nhiễm trùng đường ruột khiến bé nôn ói nhiều, cơ thể không thể hấp thụ nước qua đường uống. Khi trẻ có biểu hiện nôn ói, đau bụng, phụ huynh cần nhanh chóng đưa đi khám để can thiệp kịp thời.
Đình Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp