Kết quả chụp X-quang phổi của bé Kiên tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho thấy tràn khí màng phổi trái. ThS.BS Nguyễn Thu Vân, Phó khoa Sơ sinh, chẩn đoán bé Kiên tràn khí màng phổi, nghi ngờ bất thường cấu trúc phổi bẩm sinh. Bác sĩ chỉ định chụp CT phổi bằng máy Somatom Force VB30, với liều tia xạ điều chỉnh chỉ 0.14 mSv, tương đương một lần chụp X-quang. Kết quả cho thấy hình ảnh tràn khí màng phổi kèm xẹp nhiều vị trí phổi trái, nguyên nhân do rách kén khí bẩm sinh với đường kính siêu nhỏ (khoảng 2 mm) ở sát màng phổi.
Rách kén khí là dị tật do sự phát triển bất thường của mô phổi phôi thai ít gặp. Một hoặc nhiều nang khi nối với phế quản có thể tạo thành nang dịch - khí hoặc u nang chứa không khí. Các nang này không thực hiện được chức năng hô hấp như bình thường, do đó có thể gây ra biến chứng suy hô hấp, vỡ nang kén gây tràn khí màng phổi.
![]() |
Ảnh chụp trên máy CT Somatom Force VB30 cho thấy kén phổi của bé Kiên bị vỡ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bé Kiên được hồi sức, hô hấp hỗ trợ, dẫn lưu khí màng phổi, dùng thuốc kháng sinh. Tình trạng bé ổn định dần, phổi hết khí, được cai máy thở, ra viện sau ba tuần điều trị. Bé cần tái khám lại sau một tháng, sau đó nếu tình trạng ổn định, bác sĩ sẽ theo dõi định kỳ 3-6 tháng bằng khám lâm sàng và siêu âm, chụp X-quang. Bác sĩ Vân lưu ý phụ huynh cần khám lại ngay khi bé ho, sốt. Trường hợp bé khó thở, nhiễm trùng phổi tái phát, tiến triển nặng, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định phẫu thuật cắt bỏ kén khí.
Bác sĩ Vân cho biết những trẻ có kén khí phổi nhỏ cần được theo dõi, một số trường hợp không ảnh hưởng đến sức khỏe, số khác có nguy cơ nhiễm trùng tái phát, tràn khí màng phổi tự phát cần phẫu thuật, thường là phẫu thuật nội soi lồng ngực xâm lấn tối thiểu, độ rủi ro thấp. Vấn đề cần quan tâm nhất là nhiễm trùng phổi hậu phẫu.
![]() |
Ảnh chụp CT cho trẻ em trên máy Somatom Force VB30 (c, d) cho hình ảnh rõ nét hơn so với máy CT thông thường (a,b). Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Vân, biến chứng tràn khí màng phổi đôi khi khó chẩn đoán nguyên nhân. Chụp CT giúp khảo sát bất thường cấu trúc phổi bẩm sinh. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh như bé Kiên, cơ thể phát triển và tốc độ phân chia tế bào nhanh nên có nhiều vùng nhạy cảm với tia xạ hơn người lớn. "Ảnh hưởng của tia xạ trên trẻ em có thể tiến triển thành ung thư ở giai đoạn sau này", bác sĩ Vân nói, thêm rằng cần thận trọng, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi chụp CT.
Bác sĩ Vân đánh giá máy Somatom Force VB30 hạn chế tối đa liều tia xạ an toàn cho trẻ nhỏ và công nghệ chụp nhanh trong hai giây, nhiều lát cắt với hình ảnh rõ nét, hỗ trợ phát hiện những bệnh khó. Máy có thể chụp được toàn bộ cơ thể, hình ảnh sắc nét ngay cả khi bệnh nhi không nằm yên, quấy khóc.
Thanh Ba
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp