Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh nhiều bệnh viện ghi nhận số ca sởi ở người lớn tăng. Khác với nhóm trẻ nhỏ, người lớn có biểu hiện bệnh sởi không rõ ràng và vẫn có thể gặp biến chứng viêm phổi, tiêu chảy cấp, viêm loét giác mạc, tổn thương gan...
Ba nhóm dưới đây có nguy cơ mắc sởi và biến chứng cao:
Nhóm có bệnh nền
Người có bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy thận, ung thư... dễ bị sởi tấn công và gây bội nhiễm, dẫn đến biến chứng nặng. Nghiên cứu trên 294 người lớn mắc sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2020, cho thấy bệnh nhân sởi kèm bệnh mạn tính như gan, đái tháo đường, hen phế quản, tim mạch, có tỷ lệ biến chứng viêm phổi cao hơn so với nhóm không có bệnh nền.
Lý do, hệ miễn dịch của nhóm người này đã bị suy yếu, giảm khả năng loại bỏ và chống đỡ sự tấn công của virus sởi. Từ đó, mầm bệnh thuận lợi nhân lên và xâm nhập gây biến chứng. Quá trình điều trị người có bệnh nền và mắc sởi cũng khó khăn và kéo dài hơn do phải vừa điều trị sởi vừa phải kiểm soát bệnh nền, phối hợp nhiều loại thuốc.
Ngoài ra, virus sởi gây phá hủy trí nhớ miễn dịch sau nhiều năm, khiến người bệnh sau khi mắc sởi dễ nhiễm thêm các mầm bệnh khác như phế cầu, lao, ho gà, cúm. Việc kiểm soát bệnh nền gặp nhiều khó khăn, tăng nguy cơ biến chứng và tử vong.
![]() |
Một ca sởi nặng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai trong tháng 3. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai |
Phụ nữ mang thai
Thai phụ có hệ miễn dịch yếu, nếu chưa có miễn dịch với sởi có nguy cơ cao nhiễm bệnh nếu tiếp xúc nguồn lây với khả năng lây trên 90%. Bệnh sởi có thể gây biến chứng sản khoa như sảy thai, sinh non, thai chết lưu...
Một nghiên cứu trên 28 thai phụ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM năm 2018-2020 cho thấy tỷ lệ biến chứng viêm phổi và biến cố thai kỳ ở phụ nữ mang thai mắc sởi lần lượt lên đến 17,9% và 32,1%.
Bác sĩ Chính giải thích thai phụ nhiễm sởi có nhịp tim và thân nhiệt đều tăng cao, đến 39-40 độ C khiến tim thai phải làm việc quá sức. Tình trạng này tăng nguy cơ tử vong cho mẹ, thai lưu, sảy thai, chuyển dạ sinh non. Nếu mẹ mắc sởi vào cuối thai kỳ, trẻ sinh ra có nguy cơ nhiễm sởi tiên phát, viêm não xơ cứng bán cấp dẫn tới tử vong...
Nhóm chưa có miễn dịch
Theo bác sĩ Chính, bệnh sởi có tính chất lây nhiễm hàng đầu và dễ lây thành dịch. Hầu hết người chưa có miễn dịch, như: chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vaccine,nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc virus. Trung bình một người mắc sởi cho thể lây cho 12-18 người khác.
Người lớn mắc sởi có thể có triệu chứng không điển hình như sốt cao liên tục, ho, khó thở, viêm kết mạc... Việc này dẫn tới tâm lý chủ quan, không khám và điều trị kịp thời, tăng nguy cơ biến chứng và trở nặng. Họ có thể trở thành nguồn lây cho những người khác trong gia đình, cộng đồng, đặc biệt nhóm có miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, thai phụ, người cao tuổi, suy giảm miễn dịch hay có bệnh lý nền.
![]() |
Người lớn tiêm vaccine sởi tại VNVC. Ảnh: Lý Vi |
Cách phòng bệnh
Bệnh sởi đang tăng cao trong cả nước. Bộ Y tế ghi nhận đến ngày 20/3 có hơn 42.000 ca nhiễm và nghi nhiễm, trong đó 5 ca tử vong. Số ca nghi sởi tập trung nhiều nhất tại miền Nam với 54,9%, miền Trung 20%, miền Bắc 16,4%, Tây Nguyên 8,7%. Ca sởi tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, di biến động dân cư cao, đồng thời có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền núi.
Hiện bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Người lớn có thể chủng ngừa bằng các loại vaccine như vaccine sởi đơn giá (MVVAC-Việt Nam), hoặc vaccine phối hợp sởi - quai bị - rubella (Priorix - Bỉ và MMR II - Mỹ). Tiêm đầy đủ hai mũi vaccine cách nhau tối thiểu 1 tháng có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%.
Phụ nữ nên tiêm vaccine ngừa sởi trước khi mang thai 3 tháng, tốt nhất là 3 tháng, tối thiểu là 1 tháng tùy từng loại vaccine giúp cơ thể có đủ thời gian sinh ra kháng thể phòng bệnh, không ảnh hưởng đến thai nhi.
Bên cạnh vaccine, mọi người nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh thân thể, mũi họng, mắt và răng miệng hàng ngày. Nơi ở cần đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng. Gia đình cần đảm bảo chế độ ăn đa dạng, đủ dinh dưỡng, vận động thường xuyên để nâng cao đề kháng.
Nếu có các dấu hiệu như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, mọi người cần thăm khám để được điều trị đúng cách, không tự dùng thuốc tại nhà hay vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Hoàng Thọ - Lý Vi