Tại cuộc gặp Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Marc Knapper và đoàn công tác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác chiến lược về kinh tế, thương mại.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, hai bên cần tiếp tục tháo gỡ, nhất là những vấn đề trong thương mại, đầu tư và công nghệ cao. Ông đề nghị Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, tạo thuận lợi hơn trong tiếp cận công nghệ cao, các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng và công nghiệp chiến lược.
"Việt Nam sẵn sàng hợp tác toàn diện, chia sẻ lợi ích, rủi ro với Mỹ trong các dự án hợp tác lâu dài, dựa trên nguyên tắc minh bạch và công bằng", ông nói.
Phó thủ tướng đề nghị Mỹ hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), thông qua chuyển giao công nghệ, đầu tư, đào tạo và liên doanh - tạo nên biểu tượng hợp tác mới giữa hai nước trong tương lai.
![]() |
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp xã giao Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper và đoàn công tác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), ngày 9/7. Ảnh: VGP |
Hiện, Mỹ vẫn chưa xếp Việt Nam là nền kinh tế thị trường dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực. Theo quy định của Mỹ, có 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.
Trong báo cáo vào tháng 8/2024, Bộ Công Thương khẳng định mức độ thực hiện sáu tiêu chí này của Việt Nam ít nhất là ngang bằng và thường tốt hơn so với các quốc gia khác đã được công nhận nền kinh tế thị trường; và thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền kinh tế thị trường.
Khi Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Bởi, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba.
Năm nay, Việt Nam - Mỹ kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Từ khởi đầu khiêm tốn năm 1995, quan hệ hai nước đã phát triển thành Đối tác Chiến lược toàn diện với hợp tác sâu rộng trong mọi lĩnh vực gồm thương mại, quốc phòng, năng lượng, giáo dục, văn hóa...
Đại sứ Marc Knapper khẳng định Mỹ mong muốn đồng hành, sẵn sàng tăng hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược, dữ liệu và giáo dục.
Tại buổi tiếp, đại diện USAID chia sẻ về quyết định đóng cửa văn phòng tại Việt Nam theo chủ trương điều chỉnh toàn cầu của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, USAID sẽ tiếp tục chuyển giao các chương trình quan trọng cho Bộ Ngoại giao Mỹ như chương trình phòng chống HIV/AIDS, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường và y tế công cộng...
Phương Dung