Trái với xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm trong vài tháng trước, khảo sát của VnExpress đến 9/7 cho thấy một số ngân hàng điều chỉnh cả tăng và giảm biểu lãi suất trong một tháng qua.
Với các khoản tiền gửi tại quầy, BaoVietBank tăng ở kỳ hạn ngắn và giảm lãi suất ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. BacABank tăng lãi suất ở các kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống nhưng giảm lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở đi. VPBank cũng hạ lãi suất ở hầu hết kỳ hạn, còn MB giảm lãi suất tiền gửi trực tuyến. Ở khối ngân hàng nước ngoài, CIMB cũng hạ lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Hiện, Vikki Bank (tên gọi mới của DongABank) trả lãi suất cao nhất thị trường, cũng là đơn vị duy nhất trả lãi 6% một năm cho kỳ hạn 12 tháng khi khách hàng gửi trực tuyến. Các ngân hàng còn lại phần lớn trả lãi suất từ 4% đến dưới 6% cho khoản tiền gửi kỳ hạn một năm.
Lãi suất tiết kiệm, theo dự báo của ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối khách hàng cá nhân Shinhan Bank Việt Nam, sẽ duy trì ổn định và có thể tăng nhẹ từ cuối quý III năm nay, theo tính mùa vụ, do nhu cầu vốn chuẩn bị cho dịp Tết tăng lên.
Về phía lãi suất đầu ra, Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi vay bình quân với các khoản mới hiện thấp hơn 0,64% so với cuối năm ngoái, về 6,24% một năm. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này tiếp tục theo dõi sát lạm phát và điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong dự báo mới nhất của UOB, nhà băng này kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên các mức lãi suất chính sách như hiện tại, với lãi suất tái cấp vốn được duy trì ở mức 4,5%. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi đáng kể trong một đến hai quý tới, theo UOB, Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất chính sách một lần xuống mức thấp như trong thời kỳ Covid-19 là 4%. Tiếp theo, nhà điều hành sẽ có một đợt giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 3,5%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất.
Quỳnh Trang