Ngày 16/4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong quý I, GDP nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 5,4%. Tốc độ này vượt dự báo 5,1% trong khảo sát trước đó của Reuters, và cũng cao hơn mục tiêu tăng trưởng năm nay của nước này là quanh 5%.
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ tháng 3 tăng 5,9% và sản lượng công nghiệp 7,7%. Cả hai số liệu này đều cao hơn dự báo. Đầu tư vào tài sản cố định trong quý I tăng 4,2%.
Năm nay, giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 5%, bất chấp hàng loạt thách thức trong vào ngoài nước. Diễn biến gây chú ý nhất là Tổng thống Mỹ Donald Trump áp hàng loạt thuế nhập khẩu lên các đối tác thương mại. Trong đó, thuế với toàn bộ hàng Trung Quốc tổng cộng 145%.
![]() |
Khách hàng bên trong hội chợ hàng tiêu dùng ở Nghĩa Ô hồi tháng 3. Ảnh: Reuters |
Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Mỹ đã áp thuế 25% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa từ nước này. Lần này, kinh tế Trung Quốc gặp nhiều vấn đề, từ tiêu dùng trong nước giảm đến khủng hoảng bất động sản kéo dài. Giới chức vì thế chịu sức ép phải tăng kích thích để ngăn chặn giảm phát, đồng thời tìm cách giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư.
Cách đây vài ngày, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố kim ngạch xuất khẩu tháng 3 tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này mạnh nhất 5 tháng và cũng vượt xa mức dự báo 4,4% theo cuộc khảo sát của Reuters trước đó. Tuy nhiên, nhập khẩu lại giảm 4,3%, cho thấy nhu cầu trong nước vẫn ì ạch.
Tiêu dùng tại Trung Quốc hiện đóng góp chưa đầy 40% GDP. Tỷ lệ này thấp hơn 20% so với trung bình toàn cầu. Ngược lại, đóng góp của đầu tư cao hơn bình quân 20%.
"Tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm nhanh từ quý II, do khả năng đạt thỏa thuận với Mỹ trong tương lai gần rất thấp", các nhà kinh tế học tại ngân hàng Morgan Stanley đầu tuần này nhận định. Ngày 15/4, ngân hàng UBS dự báo kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 3,4% năm nay, do thuế của Mỹ siết hoạt động xuất khẩu.
Giới chức Trung Quốc đã lên kế hoạch phát hành 1.300 tỷ nhân dân tệ (179 tỷ USD) trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn siêu dài năm nay, tăng so với 1.000 tỷ năm 2024. Trong đó, khoảng 300 tỷ nhân dân tệ sẽ dùng để mở rộng chương trình hỗ trợ người tiêu dùng mua xe điện, đồ gia dụng và các hàng hóa khác.
Năm ngoái, GDP nền kinh tế thứ hai thế giới tăng 5%, đạt mục tiêu tăng trưởng, nhờ hàng loạt chính sách kích thích tung ra trong các tháng cuối. Tốc độ này cũng thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)