Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人

Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人
  • Thời sự
  • Thế giới
  • Kinh doanh
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Khoa học
  • Số hóa
  • Xe
  • Trở lại Thể thao
  • Kinh doanh
Thứ ba, 24/6/2025 | 00:01 GMT+7

Kinh tế Iran thiệt hại ra sao vì chiến sự?

Iran phải thay đổi cách bán dầu, đóng cửa một phần mỏ khí đốt vì bị tấn công, trong bối cảnh nền kinh tế vốn chịu sức ép nhiều năm qua.

Ngày 21/6, Mỹ triển khai các oanh tạc cơ B-2 ném "siêu bom" phá hầm ngầm vào cơ sở hạt nhân Fordow, đồng thời phóng tên lửa Tomahawk vào cơ sở Natanz và Isfahan của Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó tuyên bố các cơ sở hạt nhân này đã bị "xóa sổ hoàn toàn", đánh dấu lần đầu tiên Mỹ không kích trực tiếp vào lãnh thổ Iran.

Giới chuyên gia đánh giá động thái này đẩy cục diện tại Trung Đông vào vòng xoáy khó lường, trong bối cảnh xung đột Israel - Iran đã kéo dài hơn một tuần. Bộ Y tế Iran cho biết những đợt tấn công của Israel khiến hơn 400 người thiệt mạng. Các khu dân cư tại Tehran, Isfahan và Natanz bị ảnh hưởng nặng nề, với nhiều tòa nhà sụp đổ và hệ thống cung cấp điện, nước bị gián đoạn.

Trên Al Jazeera, giới phân tích cho rằng cuộc xung đột sẽ khiến Tehran tiêu tốn hàng tỷ USD, bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế và làm dấy lên lo ngại về khả năng hoạch định chính sách tài khóa trong dài hạn.

Iran hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Số liệu cuối năm ngoái cho thấy sản lượng dầu của nước này là 3,2 triệu thùng một ngày, tương đương 3% toàn cầu. Dầu thô được coi là huyết mạch của nền kinh tế này, đóng góp lớn cho ngân sách và dự trữ ngoại hối.

Theo báo cáo tháng 6 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), quốc gia này hiện sản xuất 4,8 triệu thùng dầu và khí ngưng tụ mỗi ngày. Tính trung bình từ đầu năm, họ xuất khẩu khoảng 1,7 triệu thùng dầu, chủ yếu sang Trung Quốc.

Xuất khẩu dầu và khí ngưng tụ của Iran hàng tuần. Đồ thị: Kpler

Sau khi xung đột với Israel nổ ra hồi giữa tháng, ngành dầu khí nước này phải tìm mọi cách duy trì xuất khẩu. Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết vài ngày qua, Tehran chỉ bơm dầu lên tàu từng chiếc một. Các tàu chở dầu neo ở xa đảo Kharg - nơi Iran xuất khẩu hơn 90% dầu thô - rồi nhanh chóng áp sát cảng để bơm dầu, nhằm giảm tối đa thời gian ở đây.

Iran cũng đang chuyển các kho dầu nổi lại gần Trung Quốc hơn. Xuất khẩu dầu của nước này vì thế lên 2,2 triệu thùng tuần trước, theo hãng dữ liệu dầu mỏ Kpler.

Tuy nhiên, Israel đã tấn công nhà máy lọc dầu Shahr Rey gần Tehran và các kho nhiên liệu quanh thủ đô. Hiện chưa rõ tác động toàn diện của việc này đến sản xuất dầu của Iran.

Ngành khí đốt nước này cũng chịu ảnh hưởng. Ngày 14/6, Iran thông báo dừng một phần hoạt động tại mỏ khí đốt South Pars ở vùng Vịnh, sau vụ không kích của Israel. Đây cũng là mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, hiện đóng góp 80% sản xuất khí đốt của nước này. Hiện tại, thiệt hại của mỏ này chưa được công bố.

Iran sản xuất khoảng 275 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, tương đương 6,5% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, số khí đốt này được tiêu thụ trong nước, do không thể xuất khẩu vì các lệnh trừng phạt.

Khói bốc lên sau vụ tấn công kho dầu Sharan ở Tehran, Iran, ngày 16/6/2025. Ảnh: Reuters

Nhiều năm qua, kinh tế quốc gia khu vực Trung Đông này chịu tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ, chủ yếu do chương trình hạt nhân của họ. Để gây sức ép buộc Tehran đàm phán hạt nhân, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng vận động các nền kinh tế lớn giảm hoặc dừng nhập khẩu dầu từ Iran.

Sau khi Iran ký thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015 với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh và EU), lệnh trừng phạt kinh tế được nới lỏng. Năm 2016, nước này xuất khẩu tới 2,8 triệu thùng dầu một ngày.

Tuy nhiên, đến năm 2018, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA, tái áp đặt và mở rộng lệnh trừng phạt lên Iran. Việc này làm suy giảm nghiêm trọng nguồn thu ngoại tệ của họ. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Iran, giai đoạn tháng 3/2020-3/2021, nước này chỉ thu về 23 tỷ USD từ xuất khẩu dầu. Con số này sau đó dần cải thiện trong các năm sau, lên 67 tỷ USD giai đoạn tháng 3/2024-3/2025.

Ngoài bị siết nguồn thu từ dầu thô, kinh tế Iran còn gặp nhiều thách thức khác. Do thiếu đầu tư, sản lượng khí đốt giảm và hệ thống tưới tiêu kém hiệu quả, Iran thường xuyên xảy ra mất điện và thiếu nước.

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt ngân sách kéo dài cũng khiến nước này khó đầu tư phát triển kinh tế dài hạn và cải thiện cơ sở hạ tầng xuống cấp. Tổng thống Masoud Pezeshkian nhiều lần nhấn mạnh tình hình kinh tế nghiêm trọng, cho rằng hiện tại còn khó khăn hơn cả thời kỳ chiến tranh Iran - Iraq thập niên 80. Hồi tháng 3, ông công khai chỉ trích vòng trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào các tàu chở dầu Iran.

Đồng rial nước này đã mất giá hơn 90% so với USD kể từ năm 2018, gây sức ép lớn lên người dân. Dù lạm phát theo công bố là 40%, một số chuyên gia Iran cho rằng con số thực tế vượt 50%. "Số liệu chính xác khó tính lắm. Nhiều năm bị trừng phạt đã châm ngòi cho áp lực lạm phát, thông qua việc đồng rial mất giá. Hàng nhập khẩu vì thế cũng đắt đỏ hơn", Hamzeh Al Gaaod - nhà kinh tế học tại hãng nghiên cứu TS Lombard nhận định.

Hồi tháng 1, hãng tin Tasnim dẫn lời ông Ebrahim Sadeghifar, Viện trưởng Viện Lao động và Phúc lợi Xã hội Iran, cho biết 22-27% dân số nước này sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 9,2%, nhưng theo Ủy ban Đại diện Người lao động Iran, con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Tehran đến nay vẫn tránh được sụp đổ kinh tế hoàn toàn, một phần nhờ Trung Quốc. Đây là khách hàng mua dầu lớn nhất và thuộc số ít quốc gia duy trì giao thương với nước này. Theo số liệu của Hải quan Iran, giai đoạn tháng 2/2024 - 3/2025, kim ngạch thương mại phi dầu mỏ hai nước đạt 34,1 tỷ USD. Trong khi đó theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP Iran năm ngoái khoảng 434 tỷ USD.

Al Gaaod cho biết Iran hiện có khoảng 33 tỷ USD dự trữ ngoại hối. "Tuy nhiên, nếu dùng dự trữ này cho chiến sự, họ sẽ đối mặt rủi ro nghiêm trọng trong dài hạn", ông kết luận.

Hà Thu (theo Al Jazeera, Reuters, DW)

Nguồn VnExpress: https://vnexpress.net/kinh-te-iran-thiet-hai-ra-sao-vi-chien-su-4904974.html
Tags: khí đốt dầu thô Mỹ Israel Iran hạt nhân kinh tế Iran

Tin cùng chuyên mục

Biến xơ dừa, vỏ trấu thành hàng triệu tấm pallet sinh học

Biến xơ dừa, vỏ trấu thành hàng triệu tấm pallet sinh học

Veritas dùng xơ dừa, vỏ cà phê, trấu để sản xuất 1,6 triệu tấm pallet (kệ kê hàng) mỗi năm với đặc tính chịu tải cao, chống ẩm, tạo vòng đời mới cho hàng triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp.

Chủ tịch Bệnh viện TNH muốn bán 5 triệu cổ phiếu

Chủ tịch Bệnh viện TNH muốn bán 5 triệu cổ phiếu

Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch Bệnh viện TNH, đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu TNH, qua đó sẽ không còn là cổ đông lớn nếu giao dịch thành công.

Ông Phạm Nhật Vượng góp vốn vào nhiều công ty bằng hơn 500 triệu cổ phiếu VIC

Ông Phạm Nhật Vượng góp vốn vào nhiều công ty bằng hơn 500 triệu cổ phiếu VIC

Trong ba năm qua, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, đã chuyển nhượng 535,6 triệu cổ phiếu VIC để góp vốn thành lập VinSpeed, VinEnergo, VMI và GSM.

Hà Nội sắp cấm nhựa một lần ở nhà hàng, cà phê trong Vành đai 1

Hà Nội sắp cấm nhựa một lần ở nhà hàng, cà phê trong Vành đai 1

Từ tháng 10, Hà Nội sẽ thí điểm không dùng nhựa một lần tại cửa hàng đồ uống, quán ăn trong Vành đai 1.

Bối rối khi làm thủ tục thuế sau sáp nhập

Bối rối khi làm thủ tục thuế sau sáp nhập

10 ngày sau khi chính quyền hai cấp vận hành, kế toán tại một doanh nghiệp hàng tiêu dùng vẫn phải đối chiếu thủ công địa chỉ của từng khách để xuất hóa đơn.

Vì sao khối ngoại mua ròng hơn chục nghìn tỷ đồng từ đầu tháng 7?

Vì sao khối ngoại mua ròng hơn chục nghìn tỷ đồng từ đầu tháng 7?

Kỳ vọng nâng hạng thị trường cùng dòng tiền xuất hiện là những nguyên nhân được chuyên gia lý giải cho đà mua ròng của khối ngoại.

Liên minh Gemini mở tuyến kết nối Thanh Đảo - Trung Đông

Liên minh Gemini mở tuyến kết nối Thanh Đảo - Trung Đông

Liên minh vận tải Gemini, gồm Maersk và Hapag-Lloyd, vừa mở rộng tuyến container kết nối cảng Thanh Đảo (Trung Quốc) với Trung Đông, thông qua việc triển khai tuyến Jebel Ali - Viễn Đông.

Giảm phần lớn tiền điện nhờ lắp năng lượng mặt trời mái nhà

Giảm phần lớn tiền điện nhờ lắp năng lượng mặt trời mái nhà

Tiền điện hàng tháng của gia đình chị Thùy giảm mạnh từ 5-6 triệu còn 600.000-800.000 đồng, nhờ lắp hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà.

Mua, bán vàng từ 20 triệu dự kiến phải chuyển khoản

Mua, bán vàng từ 20 triệu dự kiến phải chuyển khoản

Khách hàng mua, bán vàng nhiều hơn 20 triệu mỗi ngày dự kiến phải chuyển khoản thay vì sử dụng tiền mặt.

Jackpot cao kỷ lục gần 345 tỷ đồng có chủ

Jackpot cao kỷ lục gần 345 tỷ đồng có chủ

Sau gần 4 tháng, Vietlott đã tìm được một khách hàng trúng giải trị giá lớn nhất từ trước đến nay với xấp xỉ 345 tỷ đồng.

Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人
  • Thời sự
  • Thế giới
  • Kinh doanh
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Khoa học
  • Số hóa
  • Xe
FPT Tower, 10 Pham Van Bach Street, Dich Vong Ward,
Cau Giay District, Hanoi, Vietnam
Email: contacts@vnportal.net
Tel: 028 7300 9999 - Ext 8556
Advertise with us: 090 293 9644
Register
© Copyright 2025 vn24h.net. All rights reserved.
Điều khoản sử dụng Chính sách bảo mật Cookies