Theo sắc lệnh ông Trump ký ngày 8/4, mức mới sẽ là 90% giá trị món hàng hoặc 75 USD mỗi món, áp dụng từ 2/5. Kể từ ngày 1/6, mức 75 USD sẽ nâng lên gấp đôi.
Trước đó, đầu tháng 4, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh chấm dứt quy định de minimis (quá nhỏ để có ý nghĩa). Mỹ sẽ thu thuế 30% hoặc 25 USD mỗi món, áp dụng từ ngày 2/5.
Động thái này đã lấp lại lỗ hổng tồn tại nhiều năm qua. De minimis là chính sách cho phép các gói hàng dưới một ngưỡng giá trị nhất định được miễn thuế và kiểm tra hải quan. Mức này tại Mỹ là 800 USD.
Các ứng dụng thương mại điện tử Trung Quốc, như Temu, Shein, AliExpress gây dựng mô hình kinh doanh theo lỗ hổng này. Việc nới lỏng quy định và miễn thuế với sản phẩm giá trị thấp cho phép người tiêu dùng mua cả tỷ gói hàng giá rẻ mỗi năm, từ quần áo đến đồ dùng gia đình.
![]() |
Temu và Shein nằm trong nhóm ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ. Ảnh:Reuters |
Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ có quyền mở và kiểm tra tất cả gói hàng quốc tế, song thực tế họ không mở mọi gói hàng. "Nếu kiểm tra từng gói, chi phí với người tiêu dùng đội lên rất nhiều. Thời gian giao hàng cũng vậy", Clark Packard - nhà nghiên cứu tại Cato Trade cho biết trên CNN hồi tháng 2.
Christopher Tang - Giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học California (Mỹ) cho biết chính sách de minimis giúp hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ có giá rất rẻ. Hơn 80% kiện hàng thương mại điện tử được giao tại đây năm 2022 là nhập khẩu theo chính sách này, theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ.
Năm 2023, nền kinh tế lớn nhất thế giới nhập khẩu 66 tỷ USD hàng Trung Quốc giá trị thấp, tăng mạnh so với 5,3 tỷ USD vào 2018.
Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc vài tháng qua liên tiếp leo thang. Đến nay, tổng mức thuế nhập khẩu ông Trump công bố áp lên Trung Quốc trong nhiệm kỳ 2 đã là 104%. Trong đó, riêng thuế đối ứng 84% sẽ có hiệu lực từ trưa nay (giờ Hà Nội). Sau mỗi lần Mỹ công bố áp thuế, Trung Quốc đều tung chính sách đáp trả, gồm áp thuế nhập khẩu, siết xuất khẩu nhiều kim loại quan trọng và đưa các doanh nghiệp Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin hoặc hạn chế xuất khẩu.
Hà Thu (theo Reuters, CNN)