Theo truyền thông địa phương, động thái này được cho là nhằm đáp trả các phát ngôn của một cố vấn chính phủ Bangladesh trong chuyến công du Trung Quốc gần đây.
Cơ chế trung chuyển này từng được ban hành vào năm 2020 bởi Hội đồng Thuế và Hải quan Gián tiếp Trung ương (CBIC) của Ấn Độ, trong bối cảnh Covid-19, cho phép Bangladesh sử dụng các trạm hải quan biên giới (Land Customs Stations - LCS) để vận chuyển hàng hóa đến Đông Nam Á và các thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, ngày 8/4, CBIC đã tuyên bố hủy bỏ lệnh này với hiệu lực tức thì. Phía Delhi khẳng định quyết định này không ảnh hưởng đến hàng hóa Bangladesh vận chuyển qua lãnh thổ Ấn Độ để đến Nepal và Bhutan - hai quốc gia không giáp biển.
Căng thẳng bùng lên sau chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 3 của ông Muhammad Yunus - cố vấn tạm quyền của chính phủ Bangladesh, khi ông tuyên bố rằng khu vực Đông Bắc Ấn Độ "bị khóa kín không có lối ra biển" và nhấn mạnh Bangladesh là "người bảo hộ duy nhất của vùng biển trong khu vực", theo The New Indian Express.
Những phát biểu này bị xem là mang tính khiêu khích và nhạy cảm về mặt chiến lược, đặc biệt khi ông Yunus còn kêu gọi đầu tư của Trung Quốc vào Hành lang Siliguri - dải đất hẹp dài 22 km nối liền Ấn Độ đại lục với vùng Đông Bắc, vốn được xem là khu vực địa chính trị nhạy cảm.
Dù Bộ Ngoại giao Ấn Độ giải thích rằng việc hủy cơ chế trung chuyển là nhằm giảm tắc nghẽn tại các cảng nội địa, truyền thông Ấn Độ cho rằng nguyên nhân thực sự đến từ tác động tiêu cực của các phát biểu tại Trung Quốc.
Truyền thông Bangladesh không đề cập đến tranh cãi này hay nhắc đến ông Yunus trong các bản tin liên quan đến việc hủy bỏ cơ chế trung chuyển.
The New Indian Express cho biết thêm, Bangladesh hiện tìm kiếm đầu tư chiến lược từ Trung Quốc, bao gồm cả việc tái phát triển một căn cứ không quân tại Lalmonirhat - nằm gần Hành lang Siliguri (thường được gọi là "Chiếc cổ gà").
Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu dệt may của Ấn Độ và Bangladesh vốn đang cạnh tranh trực tiếp, và Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu May mặc của Ấn Độ từng vận động chính phủ hủy bỏ cơ chế hỗ trợ Bangladesh.
Năm ngoái, Bangladesh xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ USD, trong đó mặt hàng chủ lực là may mặc sẵn (RMG), tăng trưởng 8,3% so với năm trước. Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm da của nước này cũng tăng 10,44%, đạt 577,29 triệu USD, còn sản phẩm từ bông tăng 16,32%, đạt 319,06 triệu USD.
Thế Đan (theo Seatrade Maritime News)