Theo số liệu từ Cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 ước tăng 8,15% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 ước đạt 13 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Trong quý I năm nay, Huế đã thu hút gần 1,5 triệu lượt khách, tăng 62% so với cùng kỳ. Khách quốc tế ước đạt hơn 666 nghìn lượt, trong khi lượng khách lưu trú gần 600 nghìn lượt, doanh thu du lịch ước đạt hơn 2.600 tỷ đồng.
Năm nay, Huế đăng cai sự kiện Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025 gắn với Festival Huế, tạo điểm nhấn, kích cầu du lịch. Từng là địa phương được nhìn nhận như một "bảo tàng lịch sử" trầm mặc, tĩnh lặng và mang tính hoài cổ, nhưng thành phố đang có nhiều chính sách thay đổi. Di sản không còn là ký ức được bảo tồn, mà trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội hiện đại.
![]() |
Festival Huế 2025 có nhiều điểm nhấn kích cầu du lịch. Ảnh: Visit Huế |
Thời gian qua, Huế đã biến di sản thành hạt nhân để phát triển đô thị. Sự quan tâm toàn diện từ chính quyền, cộng đồng và quốc tế đã giúp Huế hướng đến việc trở thành "đô thị di sản" đầu tiên của Việt Nam. Địa phương xác định phát triển đô thị phải hài hòa với di sản. Huế sẽ là thành phố di sản – văn hóa – sinh thái – thông minh – hiện đại, nhưng không đánh mất bản sắc.
![]() |
Di tích cầu ngói Thanh Toàn mang vẻ đẹp cổ kính, nhuốm màu thời gian. Ảnh: Trần Thanh Long |
Huế đã đưa di sản lên không gian số bằng cách số hóa các di sản và triển khai dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với các đối tác công nghệ thực hiện scan 3D, dựng lại Điện Thái Hòa và định danh số các cổ vật tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Hệ thống triển lãm số "museehue.vn" đã ra mắt, cho phép trải nghiệm đa giác quan trên nhiều thiết bị điện tử hiện đại.
![]() |
Trong quý I năm nay, Huế đã thu hút gần 1,5 triệu lượt khách, tăng 62% so với cùng kỳ. Ảnh: Visit Huế |
Địa phương cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch qua việc áp dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và 3D mapping để tăng trải nghiệm cho du khách. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã số hóa 3D các món ăn đặc trưng xứ Huế. Dự án "Một food ở Huế" sử dụng AI để truyền tải nét đẹp ẩm thực Huế.
Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng HueCIT phát triển ứng dụng "Di tích Huế", hỗ trợ định vị vị trí và hướng dẫn du khách đến các điểm tham quan trong Hoàng cung Huế.
Từ năm 2022 đến nay, Huế đã thu hút trên 15 dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản và công nghệ cao với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng. Hạ tầng của thành phố liên tục được nâng cấp như cao tốc La Sơn – Túy Loan và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài giai đoạn hai để đón năm triệu lượt khách mỗi năm.
Huế cũng phát triển mạnh trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo với sự tham gia của nhiều bạn trẻ. Hiện có hơn 52.000 sinh viên theo học tại các trường đại học tại đây. Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024 có số lượng hồ sơ đăng ký cao nhất từ trước đến nay với 92 dự án tham gia.
Thành phố Huế hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ của cả nước cũng như biểu tượng văn hóa du lịch quốc gia. Địa phương không chỉ muốn phát triển lớn hơn về quy mô mà phải đi sâu về chất lượng, bền vững và có bản sắc riêng.
Yên Chi