Đường bay quốc tế kết nối ba điểm đến Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - Bangkok, Thái Lan - Đà Nẵng, Việt Nam sẽ khai trương ngày 2/6. Tuyến bay do hãng hàng không Emirates Airlines khai thác với tần suất 4 chuyến mỗi tuần.
Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết thành phố đang tích cực triển khai các giải pháp đón đầu dòng khách Halal đến từ khu vực Trung Đông - được đánh giá có mức chi tiêu du lịch cao hàng đầu thế giới.
Hiện, Đà Nẵng có khoảng 1.290 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 46.000 phòng, trong đó 111 cơ sở lưu trú 4-5 sao và tương đương, với gần 22.000 phòng. Thành phố cũng có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được quản lý điều hành bởi các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới, như IHG, Accor, Hilton.
![]() |
Đà Nẵng có hạ tầng du lịch đáp ứng cho du khách chi tiêu cao. Ảnh: Nguyễn Đông |
Thành phố cũng có hơn 8.000 cơ sở ăn uống, trong đó có gần 30 quán ăn - nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn Halal - Ấn Độ hoặc dành cho khách đạo Hồi; một số nhà hàng đã có chứng nhận Halal. Ngoài ra, còn có hơn 20 cơ sở thực phẩm chay (vegan, vegetarian) phù hợp với thị hiếu của thị trường khách.
Theo ông Vương, nhóm khách từ Trung Đông có nhu cầu cao về chất lượng dịch vụ, rất phù hợp với hệ sinh thái sản phẩm - dịch vụ mà thành phố và các doanh nghiệp du lịch đã đầu tư trong thời gian qua. Ngoài sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, thành phố đã tập huấn cho nhân viên cơ sở lưu trú, nhà hàng về văn hóa, thói quen sinh hoạt của khách Hồi giáo.
Trong đó, về giao tiếp, nhân sự ngành du lịch được tập huấn dùng tay phải, không bắt tay nữ nếu không được chủ động; tôn trọng giờ cầu nguyện 5 lần mỗi ngày. Thành phố sẽ dùng ngôn ngữ Nga, Ả rập trong các ấn phẩm, thông tin hướng dẫn khách, đồng thời chủ động chuẩn bị nguồn hướng dẫn viên thông thạo ngôn ngữ.
Các cơ sở ăn uống được lưu ý tránh những thực phẩm không phải hải sản nếu trong trường hợp cơ sở ăn uống chưa đạt Halal. Cơ sở lưu trú chuẩn bị khu vực đón tiếp, cầu nguyện, buồng ngủ... đáp ứng yêu cầu của khách Hồi giáo như phòng ngủ không để các đồ uống có cồn, chuẩn bị sẵn thảm lễ nguyện, kinh Koran khi có yêu cầu.
![]() |
Phòng cầu nguyện cho người theo đạo Hồi tại Nhà ga quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông |
"Trung Đông là một trong những thị trường quốc tế giàu tiềm năng Đà Nẵng đang hướng đến. Việc mở đường bay này là bước đi chiến lược nhằm thu hút nhóm khách cao cấp từ Trung Đông và châu Âu, đồng thời nâng cao vị thế của du lịch miền Trung Việt Nam trên bản đồ quốc tế", ông Vương nói tại họp báo ngày 27/5.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho rằng đường bay mới Dubai - Bangkok - Đà Nẵng sẽ rút ngắn khoảng cách và tăng kết nối giữa Trung Đông, châu Âu và miền Trung Việt Nam, đặc biệt là từ các quốc gia chưa có đường bay thẳng đến Đà Nẵng.
Ông Dũng nhận định, hệ sinh thái du lịch của Đà Nẵng với thế mạnh về nghỉ dưỡng, ẩm thực, văn hóa và các dịch vụ cao cấp đang ngày càng phù hợp với nhu cầu của nhóm khách đến từ Trung Đông. Để phát triển bền vững thị trường này, thành phố cần tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm chuyên biệt, đảm bảo tính phù hợp văn hóa và chất lượng dịch vụ.
"Đường bay thẳng là cơ hội để thành phố hướng đến phân khúc khách thu nhập cao và rất cao", ông Dũng nói.