Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết sau đại dịch Covid-19 nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng mạnh, dù Đà Nẵng không phải là địa phương đầu tiên ở Việt Nam chọn mô hình du lịch y tế nhưng thành phố "không đi muộn mà đang đi đúng thời điểm".
Theo ông Cường, mô hình du lịch y tế đã được các cơ sở y tế và dịch vụ lưu trú trên địa bàn triển khai từ gần một thập kỷ trước. Tuy nhiên, do thiếu liên kết, phối hợp đồng bộ nên chưa thể phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh như kỳ vọng.
Phát biểu tại hội thảo "Phát triển du lịch y tế Đà Nẵng" chiều 15/4, ông Cường cho biết hiện Đà Nẵng đã sở hữu đầy đủ các cấu phần cần thiết để phát triển sản phẩm du lịch y tế, như hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp, hạ tầng y tế hiện đại, các bệnh viện công - tư được đầu tư bài bản, cùng chuỗi dịch vụ du lịch chuyên nghiệp. Những năm gần đây, các cơ sở y tế công và tư đã có sự đầu tư đáng kể về trang thiết bị, cơ sở vật chất và dịch vụ hướng đến du khách quốc tế.
![]() |
Ông Trần Chí Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đông |
Tuy nhiên, để du lịch y tế trở thành sản phẩm chiến lược, ông Cường cho rằng cần có sự phối hợp mạnh mẽ hơn giữa ngành y tế và du lịch, cũng như nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự ở cả hai bên. "Nhân viên y tế không chỉ khám chữa bệnh, họ cần được đào tạo thêm về kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, văn hóa phục vụ khách quốc tế", ông Cường nói, đồng thời gợi ý nhân viên du lịch cũng phải hiểu được các dịch vụ y tế để tư vấn, giới thiệu chính xác đến du khách.
Từng làm lãnh đạo Sở Du lịch, ông Cường đánh giá ngưỡng tăng trưởng hiện tại của ngành du lịch Đà Nẵng đang chững lại. Dù lượng khách tăng, nhưng giá trị gia tăng từ các dịch vụ truyền thống như lưu trú hay tham quan không còn đủ sức tạo đột phá. "Nếu không có những sản phẩm chất lượng cao như du lịch y tế, sẽ rất khó để ngành du lịch tăng trưởng hai con số như mục tiêu được giao", ông nói.
Phó chủ tịch Đà Nẵng nhấn mạnh trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe trở thành ưu tiên hàng đầu của du khách hậu Covid-19, việc xây dựng các gói dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc y tế, khám sức khỏe định kỳ, phục hồi chức năng hay trị liệu Đông - Tây y là xu hướng tất yếu.
Ông Cường gợi ý ba yếu tố then chốt để hình thành sản phẩm du lịch y tế, gồm liên kết thực chất giữa ngành y tế và du lịch từ các bệnh viện, phòng khám đến khách sạn, resort và doanh nghiệp lữ hành – tất cả cần chia sẻ thế mạnh và phối hợp xây dựng sản phẩm chung; đào tạo nhân lực chuyên biệt; có những chiến dịch quảng bá sản phẩm du lịch y tế ra thị trường quốc tế, đặc biệt tại các quốc gia có lượng khách lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia.
"Khi người ta nhắc đến du lịch y tế không chỉ nghĩ đến Singapore hay Thái Lan nữa, mà sẽ nghĩ đến Đà Nẵng như một điểm sáng mới của châu Á", ông Cường nói.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Chủ tịch Hội Y học Đà Nẵng, cũng cho rằng thành phố hoàn toàn có khả năng trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch y tế nhờ vào hệ thống y tế tiên tiến, đội ngũ y bác sĩ chất lượng cao, cùng hạ tầng giao thông và du lịch phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta còn sở hữu thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa phong phú và môi trường sống trong lành. "Đây là những yếu tố lý tưởng để phát triển loại hình du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe", bà nói.
Từng ở cương vị Giám đốc Sở Y tế và Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, bà Yến nói thực tế cho thấy mô hình du lịch y tế tại Đà Nẵng vẫn đang trong giai đoạn khởi động, manh nha và chưa thực sự có sự liên kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực. "Vì thế chúng ta cần nhìn nhận lại thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch y tế tại Đà Nẵng; chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và giải pháp từ các chuyên gia; kết nối y tế với du lịch, đầu tư, truyền thông và chính quyền để xây dựng định hướng phát triển bền vững", bà Yến nói.
![]() |
Khách nước ngoài khám bệnh tại một bệnh viện tại Đà Nẵng. Ảnh: Viết Đức |
Hiện Đà Nẵng đã có đề án phát triển du lịch y tế giai đoạn 2025-2030. Mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để thu hút du khách quốc tế, đồng thời quảng bá hình ảnh thành phố như một điểm đến đáng tin cậy trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu có ít nhất hai cơ sở y tế đạt chuẩn quốc tế, đồng thời đào tạo đội ngũ nhân lực y tế chuyên nghiệp, thành thạo ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp với khách nước ngoài.
Theo đại tá Quách Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện 199 thuộc Bộ Công an, đặt tại Đà Nẵng, thành phố có tiềm năng lớn về du lịch y tế, nhờ tay nghề của nhân viên y tế nói chung và Đà Nẵng nói riêng hiện nay đã sánh ngang một số nước phát triển. Bên cạnh đó, giá dịch vụ rẻ, chỉ bằng 1/10, nên có lợi thế cạnh tranh vượt trội. Việc cần làm là đưa du lịch y tế trở thành một ngành mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GRDP, đóng góp ngân sách.
Nguyễn Đông