![]() |
Anh Duy An từng thực hiện chuyến xuyên Việt nhiều năm trước. Gần đây, khi nghe thông tin một số tỉnh, thành trên cả nước sẽ được sáp nhập, trong đó khu vực miền Tây dự kiến giảm hơn một nửa số đơn vị hành chính, anh quyết định trở lại. Các tỉnh dự kiến sáp nhập với địa phương lân cận gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang.
Đầu tháng 5, anh dành ba ngày lái xe máy qua 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để chụp hình tại các bảng địa giới. Du khách đến từ TP HCM cho biết không ghé điểm du lịch hay dừng lại lâu tại mỗi thành phố, mà chỉ tranh thủ check in mốc địa giới từng địa phương.
"Tôi chọn lái xe, ngắm cảnh và ghi lại hình ảnh từng tấm bảng địa giới trước khi chúng bị thay thế trong tương lai", anh nói.
![]() |
Từ TP HCM, anh An di chuyển theo quốc lộ 1A, điểm đến đầu tiên là bảng địa giới tỉnh Long An.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính, Long An sẽ được sáp nhập với Tây Ninh để hình thành tỉnh mới mang tên Tây Ninh. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP Tân An, địa bàn thuộc tỉnh Long An hiện nay.
![]() |
Đi qua Long An theo quốc lộ 1A, nam du khách dừng chân check in tại bảng địa giới tỉnh Tiền Giang.
Tương tự Long An, Tiền Giang sẽ được sáp nhập vào Đồng Tháp để hình thành tỉnh mới mang tên Đồng Tháp, với trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP Mỹ Tho, hiện thuộc tỉnh Tiền Giang.
![]() |
Tiếp tục hành trình, phượt thủ rẽ vào quốc lộ 60, qua cầu Rạch Miễu để check in tại địa phận tỉnh Bến Tre. Vùng đất được mệnh danh là xứ dừa nổi tiếng với du lịch sông nước, miệt vườn và nghỉ dưỡng. Một số điểm đến tiêu biểu gồm cồn Phụng, cồn Quy, cồn Phú Đa, vườn trái cây Cái Mơn - Chợ Lách và sân chim Vàm Hồ. |
![]() |
Nam du khách tiếp tục rời Bến Tre qua hướng cầu Cổ Chiên để đến Trà Vinh. Anh An cho hay đây là địa phương anh thường ghé mỗi khi có dịp về miền Tây. Trà Vinh nổi bật với du lịch cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa, với các điểm đến tiêu biểu như chùa Hang, ao Bà Om và làng văn hóa du lịch Khmer. |
![]() |
Theo quốc lộ 53 từ Trà Vinh anh An đến TP Vĩnh Long, sau đó vòng xuống đường tỉnh 902, qua phà Đình Khao để chụp bảng ranh giới tỉnh Vĩnh Long.
Anh cho biết Vĩnh Long là quê hương mình. Khi sáp nhập với hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, địa phương sẽ có diện tích hơn 6.296 km2, đứng thứ ba tại Đồng bằng sông Cửu Long. Anh kỳ vọng việc mở rộng sẽ tạo thêm lợi thế cho quê hương phát triển trong tương lai.
![]() |
Ngày thứ hai, di chuyển từ TP Vĩnh Long, du khách 47 tuổi đi thêm gần 40 km để đến Cần Thơ - thành phố trực thuộc trung ương được xem là thủ phủ của Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố sẽ sáp nhập Hậu Giang và Sóc Trăng, giữ tên gọi Cần Thơ. |
![]() |
![]() |
Từ Cần Thơ, anh An chạy theo tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp và dừng chân tại Hậu Giang. Sau khi check in bảng địa phận tỉnh, anh quay lại quốc lộ 1A để tiếp tục hành trình đi qua Sóc Trăng (ảnh sau). |
![]() |
Rời Sóc Trăng, anh An đến Bạc Liêu, check in tại bảng địa giới và chọn nghỉ đêm tại đây.
Cùng với Hậu Giang và Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu sẽ được sáp nhập vào Cà Mau, ranh giới hành chính cũ sẽ không còn tồn tại.
![]() |
Sáng thức dậy ở Bạc Liêu, phượt thủ tìm một quán bún nước lèo - đặc sản địa phương để ăn sáng trước khi lên đường đến Cà Mau. Sau khi sáp nhập với Bạc Liêu, Cà Mau giữ nguyên tên gọi cũ - địa danh có lịch sử lâu đời, gắn liền với vùng đất cực Nam của tổ quốc. |
![]() |
Rời Cà Mau, nam du khách không di chuyển theo đường lớn mà chọn đi quốc lộ 63, qua huyện Thới Bình để chụp bảng ranh giới Kiên Giang rồi đi tiếp về TP Rạch Giá.
Anh An cho biết bảng ranh giới Kiên Giang bị cây cối che khuất tầm nhìn. "Tôi phải mượn dao của dân địa phương để phát quang, không chỉ cho mình mà còn để người đi sau dễ nhìn hơn", anh An nói và cho biết đây là kỷ niệm khiến anh nhớ nhất trong hành trình lần này.
![]() |
Từ TP Rạch Giá, anh An tiếp tục hành trình, vòng sang An Giang. Phượt thủ TP HCM cho biết đã nhiều lần ghé An Giang nhưng vẫn chưa tìm thấy bảng ranh giới hành chính như ở các tỉnh thành khác.
Chặng cuối là tuyến đường N2 xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười. Tại đây, anh dừng lại chụp hình với bảng ranh giới tỉnh Đồng Tháp, khép lại hành trình đi qua 13 tỉnh miền Tây.
Sau sáp nhập, Đồng Tháp trở thành trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười với hệ sinh thái phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Những điểm đến nổi bật như Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Gò Tháp, làng hoa Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung và các cù lao xanh mát dọc sông Tiền hứa hẹn trở thành điểm nhấn du lịch đặc sắc của khu vực.
"Ghi lại những hình ảnh miền Tây vào đúng thời điểm này, theo tôi cũng là một cách lưu giữ ký ức", phượt thủ U50 nói.
Tuấn Anh