"Sáng nào cũng có một số người nán lại xem tôi chăm sóc con họ thế nào", Nguyên nói.
Thầy Nguyên, 41 tuổi, dạy lớp ghép 4-5 tuổi của Trường mầm non Hợp Hòa, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương. Là giáo viên nam duy nhất nên áp lực với thầy Nguyên lớn hơn nên thường đến lớp từ sáng sớm, tranh thủ ôn lại các bài tập thể dục, múa, hát, sắp xếp bàn ghế đợi trẻ.
"Ban đầu có chút ngại ngùng, lo lắng nhưng dần rồi tôi cũng quen", thầy giáo bản nói.
![]() |
Thầy Công Nguyên, 41 tuổi, đang vệ sinh cá nhân cho học trò lớp ghép 4-5 tuổi điểm trường trung tâm, trường mầm non Hợp Hòa, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, ngày 28/2/2025. Ảnh: Nga Thanh |
Công Nguyên về trường mầm non Hợp Hòa từ khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm năm 2004. Hành trang đi dạy của chàng trai trẻ lúc đó là chiếc cặp tài liệu và chiếc xe đạp cũ.
Ngày đầu tới trường, anh phải đi từ 5h sáng bởi điểm trường cách nhà hơn 15 km đường đất vừa dốc vừa trơn trượt. "Trường khi ấy gần 200 học sinh, phải chia ra mỗi nhà văn hóa thôn một lớp hơn 20 em để học. Lớp chủ yếu dựng tạm bằng gỗ, không biển bảng, mọi thứ đều hoang sơ", Nguyên nói.
Trường nằm trong xã thuộc chương trình xóa đói, giảm nghèo (chương trình 135), Nguyên vẫn nhận lớp trong sự háo hức, mong chờ. Tuy nhiên, người dân bản chào đón anh bằng sự e dè, ngạc nhiên, lo lắng bởi chưa từng thấy thầy giáo dạy trẻ mầm non. Họ sợ đàn ông không thạo việc chăm sóc, dạy trẻ khéo léo như phụ nữ.
"E nào tới cũng khóc ầm ĩ, phụ huynh đứng mãi trước cửa lớp không dám gửi con. Tôi thì bối rối bởi không biết nói tiếng dân tộc", Công Nguyên nhớ lại. Cuối cùng, anh vừa phải cố gắng thuyết phục và gọi điện nhờ các cô giáo ở bản trấn an phụ huynh.
Dù tốt nghiệp sư phạm chăm sóc trẻ vẫn là thách thức với thầy giáo Nguyên. Từ việc dỗ trẻ ăn, thời gian đầu anh bất lực, vò đầu bứt tóc khi học trò vừa ăn vừa khóc, vùng vằng phản ứng khiến thức ăn văng tung tóe. Rồi vệ sinh cá nhân, lau mặt cho từng em cũng phải dỗ dành mấy tiếng mới xong. Chưa kể, mỗi ngày đều có tiết âm nhạc dạy trẻ múa, hát, những động tác đơ cứng, chưa mềm mại, uyển chuyển của anh cũng khiến cả lớp bật cười.
"Mỗi ngày tới lớp lúc đó như "đánh trận", mệt mỏi, mất sức", Nguyên nói.
Sau vài tháng vừa dạy vừa học hỏi kinh nghiệm của các cô giáo, Nguyên cũng dần biết cách cho trẻ ăn, không quấy khóc. Giờ cơm, thầy thường nói những câu nói gắn với ước mơ, khen ngợi như "con muốn làm bộ đội, công an thì phải ăn thật nhiều, phải khỏe mới làm được" hay "các bạn mạnh mẽ thường không bao giờ khóc nhè". Để lấy lòng bọn trẻ, lương tháng nhận được thầy đều trích một phần để mua bánh kẹo thưởng cho các em chăm ngoan, đi học đầy đủ.
Đến hiện tại, sau hơn 20 năm công tác tại trường, thầy Nguyên đã tự tin và thành thạo hơn trong việc chăm sóc và dạy trẻ lớp mầm. Đều đặn mỗi sáng lau mặt, chỉnh đốn trang phục, buộc tóc cho học sinh rồi cho các em học, ăn, ngủ, một mình thầy có thể đảm đương hết.
Bà Ma Thị Thu, hiệu trưởng trường mầm non Hợp Hòa, cho biết trường có 43 giáo viên, thầy Nguyên là giáo viên nam đầu tiên và duy nhất. Trước đây trường còn có khó khăn, thầy Nguyên một mình phụ trách một lớp, sáng dạy học trưa cùng phụ huynh đi gánh củi, nấu cơm cho trẻ.
"Ngày ấy lớp học ghép gỗ tạm mưa gió thường dột, ngập hết, lo học sinh ướt thầy lấy tạm nilon che chắn cho từng đứa rồi vội bịt kín các góc tường", bà Thu nói. Sự chân thành, mến trẻ của thầy Nguyên suốt thời gian qua đã khiến phụ huynh trong bản dần yên tâm, tin tưởng.
Ở huyện Sơn Dương, ngoài Công Nguyên, còn có thầy Quách Văn Dũng với hơn 20 năm giảng dạy tại trường mầm non Thiện Kế, xã Thiện Kế. Thầy Dũng là chủ nhiệm lớp 4 tuổi với gần 30 em.
Thầy giáo 44 tuổi cho biết thời gian đầu cũng phải vật lộn với học sinh từ việc học tiếng dân tộc cho đến tắm rửa, giặt quần áo bởi nhiều em bố mẹ thường đi làm xa, không có thời gian chăm sóc. Cậu thanh niên lúc đó cũng đau đầu khi phải phân bua, dỗ dành khi học trò tranh giành đồ chơi hay khóc đòi bố mẹ.
"Nhiều lúc nản chí, bất lực muốn bỏ cuộc nhưng nhìn những đứa trẻ hồn nhiên, tôi lại cố", Dũng nói.
Khi nhắc về kỷ niệm đáng nhớ, Dũng rưng rưng kể về những ngày vượt trời mưa gió đi vận động từng nhà cho con tới lớp. Nhiều hôm chiều tối muộn thầy phải chở đám học trò về nhà bởi phụ huynh bận làm nương, rẫy.
"Giờ coi lũ trẻ như con, xa là nhớ, vào dịp lễ, thấy các con mang rau, củ, hái hoa dại bên đường đến tặng tôi thương và trân quý lắm", thầy Dũng nói.
![]() |
Thầy Quách Mạnh Dũng (áo xanh), 44 tuổi, chủ nhiệm lớp 4 tuổi trường mầm non Thiện Kế, xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương đang cho học trò ngủ trưa, ngày 28/2/2025. Ảnh: Nga Thanh |
Chị Ông Thị Hân, 30 tuổi, ở thôn Cầu Đá, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương cho biết ban đầu không dám gửi đứa con chậm phát triển vào lớp thầy Nguyên, sợ con không được cho ăn uống, chăm sóc chu đáo.
"Tuy nhiên, nhiều lần nán lại nhìn con trai nằm gọn trong tay thầy ngủ, thấy thầy kèm cặp, chia sẻ, giúp con hòa nhập, tôi hoàn toàn yên tâm và biết ơn thầy", chị Hân nói.
Đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương cũng cho biết, Công Nguyên và Quách Dũng là hai thầy giáo mầm non hiếm hoi của huyện, gắn bó và nhiệt huyết với ngành mầm non.
"Thậm chí cả tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ lác đác vài thầy giáo mầm non, bởi để gắn bó với nghề, ngoài kiên trì, cố gắng cũng phải thực sự yêu và xem trò như con để rồi tận tâm dạy dỗ", vị đại diện cũng bày tỏ sự trân trọng với chặng đường cống hiến của hai thầy giáo trên địa bàn suốt hơn 20 năm qua.
Để giáo viên và học sinh ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang có điều kiện dạy, học tốt hơn, Quỹ Hy vọng - báo VnExpress tiếp tục nhận đóng góp trong chương trình Ánh sáng học đường. Mọi ủng hộ của độc giả xin gửi về chương trình tại đây:
Tên chương trình: Ten cua ban - Anh sang hoc duong
ID chương trình: 195961
Nga Thanh