Xiang Juxiang, y tá bệnh viện huyện Tiên Cư, tỉnh Chiết Giang, được phân công chăm sóc nữ bệnh nhân 20 tuổi này, không thể tin cha mẹ có thể bỏ rơi con. Dù cô gái không nhận thức được gì, bà vẫn kiên trì thay tã, lật người, tắm rửa và xoa bóp hàng ngày. "Tôi nghĩ chỉ cần chăm sóc tốt, cha mẹ cô ấy sẽ quay lại đón con", bà kể.
Nhưng sự chờ đợi kéo dài suốt hơn mười năm.
Sau ba tháng hôn mê, Song Yuwei tỉnh lại với nửa thân dưới bị liệt, ngôn ngữ rối loạn và trí nhớ gần như trắng xóa. Tình cảm gắn bó khi chăm sóc Song hàng ngày, bà Xiang không nỡ để cô gái chịu cảnh bị bỏ rơi lần nữa.
![]() |
Song Yuwei (trái) và Xiang Juxiang (phải). Ảnh: QQ |
Năm 2007, chồng bà bất ngờ đột quỵ, nằm liệt một chỗ. Không thể bỏ mặc ai, bà Xiang đưa Song về sống cùng nhà để tiện chăm sóc. Căn nhà nhỏ nghèo khó nay gánh thêm hai bệnh nhân.
Vì không đủ tiền, bà dùng vải quấn làm tã cho hai người, nhiều khi phải mang chăn ra bến sông giặt bằng tay. Mùa đông, nước lạnh cắt da. Một lần, bà trượt ngã trên băng, đau đến không đứng dậy nổi, nhưng cũng không dám đến bệnh viện vì sợ tốn tiền.
Khi nghe nói châm cứu có thể giúp người liệt phục hồi, bà nhờ cha, một bác sĩ đông y địa phương, dạy nghề. Nhưng bà chưa từng đi học, không biết chữ, mắt lại kém. Để luyện tập, bà tự lấy kim châm vào tay mình, dò từng huyệt, thử độ sâu, chịu đựng từng vết bầm tím. "Tôi không dám châm vào con bé khi chưa tự thử trước trên chính cơ thể mình", bà nói.
Sau nhiều tháng kiên trì vừa học vừa đau, bà Xiang bắt đầu tự tin châm cứu cho Song. "Chừng nào tôi còn sống, con bé còn có mẹ", bà nói.
Mỗi sáng, bà dậy từ tinh mơ, ra đồng chăm vườn rau nhỏ vừa để nhà ăn, vừa bán góp thêm vào tiền mua thuốc, băng gạc. Có thời điểm kiệt quệ, bà đành gửi Song vào trại trẻ mồ côi. Nhưng chỉ một lần đến thăm, khi cô gái ôm lấy bà gọi: "Mẹ ơi", bà đã bật khóc và đưa con về lại.
Năm 2009, bà Xiang chính thức ký giấy nhận nuôi Song Yuwei tại Cục Dân chính, trở thành mẹ hợp pháp.
Nhờ mẹ nuôi chăm sóc tận tụy, cô gái từng được chẩn đoán sống thực vật dần biết nói, đọc sách, tự ăn và chậm rãi đi lại. Ký ức sau tai nạn gần như mất hết, Song chỉ nhớ mình từng là giáo viên, quê ở Hắc Long Giang phủ đầy tuyết. Nhưng cô luôn nhớ từng món ăn mẹ nấu, từng lần mẹ nhặt được sách cũ và để dành cho cô đọc.
![]() |
Xiang chăm sóc cho con gái nuôi khi con khi cô chưa được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Ảnh: QQ |
"Khi con bé nói ‘Mẹ ơi, con yêu mẹ mãi mãi’, tôi như thấy mọi cực nhọc đời mình đều đáng giá", Xiang Juxiang kể, đôi tay gầy gò khẽ vuốt má con gái.
Nhưng biến cố không dừng lại. Năm 2016, chồng bà qua đời. Năm 2018, con trai út phát bệnh thần kinh còn bà được chẩn đoán mắc bệnh phổi. Những cú sốc tinh thần và hàng chục năm lao lực khiến sức khỏe cạn kiệt, đầu năm 2021, bà đồng ý để Song vào trung tâm bảo trợ xã hội, dưới sự sắp xếp của chính quyền.
Nhưng mỗi khi cơn đau dịu bớt, bà lại đạp xe đến thăm con, mang theo thức ăn ngon, quần áo, cùng con dạo quanh viện, ngắm cỏ mọc, chim bay, hoàng hôn lặng lẽ rơi xuống núi đồi.