Cảnh tượng Ben cố gắng dạy mẹ phát âm những từ như "cái bòn" (cái bàn) và "xe độp" (xe đạp), "ô cóa" (ao cá), "nón lóa" (nón lá) khiến nhiều người bật cười và tỏ ra ngưỡng mộ sự am hiểu phương ngữ Quảng Nam của anh.
"Không ngờ anh này đã học tiếng Việt theo giáo trình nâng cao", một người bình luận. Tiếng Quảng hay cách phát âm tiếng Việt theo giọng Quảng Nam là thử thách của người Việt ở tỉnh khác nhưng rất thân thuộc với Ben.
"Tôi đang luyện tập để trò chuyện với người Việt, sao cho khi họ nhắm mắt lại, sẽ tưởng đang nói chuyện với người Tam Kỳ", anh nói. Người truyền cảm hứng việc học tiếng Quảng của anh là vợ anh, một cô gái quê Đà Nẵng.
Ben, chàng trai quê ở TP Perth, Australia đến Đà Nẵng sống và dạy tiếng Anh từ năm 2016. Chỉ mất nửa năm, anh đã phải lòng văn hóa, con người, ẩm thực của miền đất mới và cảm nhận Việt Nam như quê hương thật sự.
Việc học tiếng với Ben cũng bắt đầu từ đó, dù anh được bạn bè cảnh báo "tiếng Việt rất khó" và nhiều người đã sớm bỏ cuộc. Hồi ở Australia, Ben học và thông thạo tiếng Pháp - một ngôn ngữ cũng được coi là khó. "Nhưng tiếng Pháp chưa là gì so với tiếng Việt", Ben nói. "Tiếng Việt khó nhất là nhiều thanh, điệu, chỉ cần sai cao độ là sai nghĩa".
Ban đầu, giáo viên của anh là người miền Bắc. Sau đó, anh học thêm từ một cô giáo quê Đà Nẵng. Dù không chủ định học nói theo giọng miền Nam, ngữ điệu của anh lại nghiêng về miền Nam và miền Trung.
Năm 2017, Ben gặp và yêu Trang, cô gái ở Đà Nẵng, kém anh 5 tuổi. Năm 2019, họ kết hôn cũng là lúc động lực với tiếng Việt của Ben rõ ràng hơn. Anh thích giọng Quảng của Trang mỗi khi cô trò chuyện với bạn bè. Ben cũng tò mò những câu mà bố vợ đùa trong cuộc nhậu.
"Khi nghe giọng miền Trung, tôi cảm thấy như đang ở nhà", chàng trai Australia nói. Ben lên Google và tìm lớp học tiếng Việt giọng Quảng Nam nhưng nhận ra không ai dạy. Người Việt cũng không có tài liệu, giáo trình nào, ngoài cách nghe người địa phương nói.
Tìm hiểu khoảng ba tháng, Ben nhận ra các âm điệu, âm thanh và cách diễn đạt trong giọng Quảng Nam không khó về bản chất nhưng việc chuyển chúng thành lời nói khi trò chuyện mới là thử thách.
Anh tự rút ra một số quy luật, mọi người hay nói nguyên âm a thành o, e thành i, ví dụ cái bàn là cái bòn, chiếc lá thành chiếc lóa. Đồng thời, anh cũng gặp loạt từ thú vị như răng (sao), chi (gì), mần (làm), nỏ (không), mô (đâu), nớ (đó), tề (kìa).
"Mỗi lần nói, tôi phải suy nghĩ và tập trung rất kỹ", anh kể. Những lúc rảnh, Ben xem video hài của nghệ sĩ Trường Giang. Khi không hiểu, vợ anh sẽ giải thích, còn lại phần lớn thời gian anh tự học.
![]() |
Ben và vợ ở Hội An năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Bạn bè Ben, nhiều người nước ngoài từng bỏ cuộc với tiếng Việt vì e ngại thanh điệu lạ, sợ mình nói nghe kỳ. Tuy nhiên, chàng trai Australia bập bẹ đếm số bằng tiếng Quảng, hay kể cả khi phát âm sai, anh chưa bao giờ bị cười. Trong khi ở Australia, nhiều người ngại giọng nặng vùng quê, sợ bị đánh giá.
"Các giọng địa phương lại được trân trọng như một phần bản sắc văn hóa", anh kể. "Học một ngôn ngữ hoàn toàn khác với tiếng mẹ đẻ đòi hỏi sự can đảm".
Trong suốt hơn 8 tháng sau đó, Ben tham gia nhóm trò chuyện tiếng Việt trên mạng để nâng cao trình độ. Dần dần anh có thể giao tiếp bằng giọng Quảng trôi chảy đến mức nhiều người nghi ngờ. Họ cho rằng anh là Việt kiều hoặc người Quảng Nam giả làm người Australia. "Cuối cùng, tôi phải bật webcam để chứng minh mình thực sự là người Australia", Ben nhớ lại.
Năm 2020, sau khi có con trai, vợ chồng Ben trở về Perth sinh sống. Anh làm quản lý một cửa hàng rượu vang và thực phẩm nguội. Cuối tuần và buổi tối, anh tranh thủ học tiếng Việt nhưng việc học trở nên khó khăn hơn khi không có môi trường.
Khi Ben thấy "giọng Quảng Nam" của mình dần mai một, anh lập kênh YouTube và TikTok để tự thúc đẩy việc nói mỗi ngày. Anh mang ngôn ngữ này về Australia bằng những cách gần gũi như đến quầy thức ăn Việt, gọi bánh mì nem nướng, chè, bánh tráng nướng bằng tiếng Việt. Anh chỉ mẹ ruột vài câu đơn giản, thỉnh thoảng cùng bà chơi bầu cua dịp Tết.
Ben mong đợi những cuộc trò chuyện qua điện thoại với gia đình vợ, tất cả đều là người Quảng Nam. "Với tôi, việc học không chỉ là sở thích cá nhân mà còn là cách gắn bó với vợ, với quê nhà của cô ấy", anh nói.
Ngược lại, Trang vẫn luôn ngưỡng mộ tinh thần tự học của chồng. Do công việc bận rộn, cô chưa từng dạy chồng mà chỉ giải đáp khi anh thắc mắc. Dù vốn từ không quá nổi bật, Ben đặc biệt chú trọng phát âm đúng dấu và dùng đúng ngữ pháp. "Anh ấy đọc, viết là tốt nhất. Hồi còn ở Đà Nẵng, anh ấy phát âm tốt hơn", Trang nhận xét.
Vài năm qua, chàng trai Australia cũng cố gắng tham gia mọi sự kiện cộng đồng của người Việt ở Perth.
Cao An, 26 tuổi, gặp Ben ở Lễ hội Mùa xuân Việt Nam do Đại học Tây Úc phối hợp với Lãnh sự quán Việt Nam tổ chức, đầu năm 2025.
Ban đầu, An bất ngờ khi thấy một người nước ngoài không chỉ phát âm rõ tiếng Việt mà còn nói được cả giọng Quảng Nam. Ben còn phỏng vấn mọi người về sở thích ăn phở hay bún bò. Sau sự kiện, họ giữ liên lạc và trở thành bạn.
"Anh ấy chăm chỉ, học hàng ngày, chịu khó dùng từ địa phương, cho thấy muốn thực sự hiểu và hòa vào ngôn ngữ", An nói.
Ngọc Ngân